Bộ Năng lượng Mỹ sẽ tài trợ 1,2 tỷ USD để phát triển các trung tâm thu giữ CO2
Những dự án đầu tiên được nhận tiền là dự án loại bỏ carbon của Occidental Petroleum ở Texas (Mỹ); và dự án hợp tác giữa Battelle, Climeworks và Heirloomở tây nam Louisiana (Mỹ). Hai dự án này nhận tổng cộng khoảng 1,1 tỷ USD. Khoảng 100 triệu USD còn lại được dành cho 19 nghiên cứu hoặc kỹ thuật thu giữ carbon trong giai đoạn đầu phát triển trên cả nước Mỹ.
Đây mới là đợt đầu tư đầu tiên trong khoản đầu tư trị giá 3,5 tỷ USD, được phân bổ theo Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng Mỹ, để thành lập ít nhất bốn trung tâm thu khí trực tiếp (DAC).
“Nếu triển khai trên quy mô lớn, công nghệ này có thể giúp chúng ta đạt được tiến bộ quan trọng hướng tới mục tiêu không phát thải ròng, cùng lúc với việc triển khai nhiều năng lượng sạch hơn” – Jennifer Granholm, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, mô tả chương trình đầu tư trong họp báo ngày 11/8.
Nhưng việc dành đầu tư cho Occidental Petroleum, một công ty khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch, có thể gây tranh cãi. Giám đốc điều hành của Occidental, Vicki Hollub, cho biết tại một hội nghị về dầu khí vào tháng 3 rằng việc thu giữ carbon sẽ giúp “bảo tồn ngành công nghiệp dầu khí”. Do đó, các nhóm hoạt động môi trường lo ngại rằng việc thu giữ carbon là cách để các công ty dầu mỏ tiếp tục hoạt động trong nhiều thập kỷ.
Các nhà máy thu khí trực tiếp sử dụng các quạt lớn để hút không khí xung quanh, sau đó bẫy các phân tử carbon dioxide bằng dung môi lỏng hoặc chất hấp thụ rắn. Công nghệ này khác với công nghệ thu giữ carbon nhằm ngăn khí thải thoát ra khỏi nhà máy điện hoặc các cơ sở công nghiệp.
Căn cứ vào lượng khí carbon dioxide mà thế giới đã thải vào bầu khí quyển, các nhà khoa học ước tính các quốc gia cần phải thu giữ hàng tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm để kiểm soát biến đổi khí hậu, cùng với việc cắt giảm triệt để phát thải.
Lượng CO2 cần thu giữ sẽ phụ thuộc vào lượng phát thải CO2 và phản ứng của khí hậu. Nhưng theo một số ước tính, các quốc gia có thể phải thu giữ tổng cộng 10 tỷ tấn CO2 từ không khí mỗi năm, từ giữa thế kỷ này, để có thể giữ cho hành tinh không nóng lên quá 2°C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
Để đạt được con số này, cần 10.000 trung tâm DAC với công suất tương đương những trung tâm được tài trợ trong đợt đầu tư ngày 11/8 của Mỹ. Các nhà nghiên cứu và công ty khởi nghiệp đang tìm hiểu nhiều cách khác nhau để tăng đáng kể khả năng thu giữ carbon, gồm các nhà máy hút được nhiều CO2 hơn, phát tán các khoáng chất giữ CO2 trong đất và biển, cũng như chôn vùi hoặc nhấn chìm CO2.
Hầu hết các cách tiếp cận đến nay vẫn gặp vấn đề về độ tin cậy, độ bền, khả năng mở rộng, nguy cơ môi trường, rủi ro kỹ thuật và chi phí. Ưu điểm của các nhà máy thu khí trực tiếp mà Bộ Năng lượng Mỹ đang tài trợ là thu giữ carbon một cách đáng tin cậy và dễ dàng định lượng. Khí nhà kính được thu giữ có thể được lưu trữ vĩnh viễn và an toàn bằng cách bơm vào các giếng địa chất sâu.
Tuy nhiên, vấn đề là công nghệ này đắt tiền. Ngày nay, chi phí loại bỏ và lưu trữ một tấn CO2 lên đến hàng trăm USD. Ngay cả khi chi phí loại bỏ giảm xuống còn 100 USD mỗi tấn, như mong đợi, việc thu giữ 10 tỷ tấnCO2 mỗi năm như đề xuất của giới khoa học sẽ tiêu tốn 1 nghìn tỷ USD.
“Đó là một con số mà chỉ chính phủ liên bang mới có thể chi trả” – Jack Andreasen, giám đốc chính sách quản lý carbon tại Breakthrough Energy, cho biết.
Bộ Năng lượng Mỹ ước tính chỉ riêng nước này sẽ cần loại bỏ khỏi không khí khoảng 400 triệu đến 1,8 tỷ tấn CO2 mỗi năm để đạt được mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với chi phí và quy mô như vậy, lĩnh vực thu giữ carbon không có khả năng tự đứng vững, bởi vì nó có rất ít giá trị thương mại. Carbon thu được không có nhiều giá trị sử dụng. Một lượng nhất định có thể được tái sử dụng trong các sản phẩm như nhiên liệu, hóa chất và xi măng, nhưng không đáng kể. Vì vậy, việc thu giữ carbon sẽ cần được hỗ trợ như một hàng hóa công cộng, chủ yếu được tài trợ, khuyến khích hoặc ủy quyền bởi chính phủ để giảm thiểu những nguy cơ của biến đổi khí hậu.
Nguyễn Long