Bộ trưởng Nguyễn Quân tiếp Tổng giám đốc IAEA

Ngày 4/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có buổi làm việc với Đoàn cán bộ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) do ông Yukiya Amano - Tổng giám đốc, dẫn đầu đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam.

Ông Yukiya Amano đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc hợp tác với IAEA cũng như các nước trên thế giới trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực y tế, công nghiệp… để phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Yukiya Amano cho biết, sau sự cố về điện hạt nhân ở Nhật Bản, vấn đề ưu tiên nhất của IAEA là đảm bảo an toàn năng lượng hạt nhân, và IAEA sẽ tiếp tục hợp tác, giúp đỡ các quốc gia, trong đó có Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử, đặc biệt là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ của ông Yukiya Amano cũng như các quan chức IAEA trong nhiều năm qua, nhất là khi Việt Nam triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với IAEA và các nước trong việc phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ của IAEA trong việc đào tạo chuyên gia về an toàn, tư vấn giám sát… trong quá trình Việt Nam xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

* Trong chuyến công tác hai ngày (3 và 4/10) tại Việt Nam, ông Yukiya Amano đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được sự quan tâm đặc biệt của IAEA không chỉ vì Việt Nam có dự án điện hạt nhân mà còn vì những ứng dụng hạt nhân đã và đang triển khai rất thành công.

Thưa ông, sau sự cố điện hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) đã có làn sóng phản đối xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Điều này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về tính an toàn của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mà Việt Nam sắp xây dựng. Dưới góc nhìn của một chuyên gia hạt nhân và người đứng đầu cao nhất của tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế, ông có thể cho Việt Nam một lời khuyên?

Tôi cho rằng, sự cố Fukushima là một trong những bài học để Việt Nam có thể đúc kết được kinh nghiệm của mình khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn. Ngoài ra sự cố đã đánh giá thấp tác động của động đất và sóng thần nên mới có hậu quả nghiêm trọng đến như vậy. Tôi hy vọng rằng, những vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo sâu hơn tại hội thảo liên quan đến địa chất của nhà máy điện hạt nhân tổ chức tháng 11 này.

Tôi nghĩ, sau sự cố này, một trong những bài học cần phải rất lưu ý đó là nâng cao năng lực, tính độc lập của cơ quan pháp quy cao hơn. Tôi rất mừng khi được biết, sắp tới Việt Nam sẽ có kế hoạch sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, trong đó có nhấn mạnh đến sẽ tăng cường năng lực và tính độc lập của cơ quan pháp quy cao hơn nữa.
 
Hiện nay, có thể nói Việt Nam là một quốc gia khá non trẻ về công nghệ điện hạt nhân và đang chập chững đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân, vì vậy, nhân lực là vấn đề rất cần được quan tâm. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì để Việt Nam có thể tiếp cận, đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân?

Bất cứ chính phủ nào khi cân nhắc xây dựng dự án điện hạt nhân đều phải cân nhắc một chương trình đào tạo nhân lực quốc gia và nó phải được đi đúng hướng. Hiện nay, có rất nhiều quốc gia sẵn sàng giúp đỡ những nước mới bắt tay vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Việt Nam, đó là các nước Nhật, Nga, Hàn Quốc…

Việt Nam cũng cần hợp tác với các quốc gia đang trong quá trình cân nhắc phát triển điện hạt nhân chứ không chỉ chú trọng tới các quốc gia đã có ngành năng lượng nguyên tử phát triển như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… để có thể cùng nhau trao đổi nhằm tìm ra phương pháp, công nghệ kỹ thuật phát triển điện hạt nhân có mức độ an toàn cao nhất.

Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực cũng đang có những mạng lưới liên kết để chia sẻ thông tin, đào tạo. Đã có rất nhiều khoá và hình thức đào tạo trong mạng lưới liên kết này. Đây thực sự là cơ hội cho Việt Nam để tiếp cận những thông tin hữu ích cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Cá nhân ông nhận xét thế nào về trình độ cũng như khả năng công nghệ của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng nguyên tử?

Tôi thấy rằng, những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đào tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ của đội ngũ chuyên gia điện hạt nhân. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng là quốc gia đang nổi lên với những thành tựu về ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt là sử dụng bức xạ trong điều trị y tế…

Sự quan tâm của Việt Nam đến vấn đề an toàn điện hạt nhân nói riêng và an toàn năng lượng nguyên tử nói chung trong những năm gần đây là rất đáng hoan nghênh. Đặc biệt, gần đây nhất, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về an toàn và an ninh năng lượng nguyên tủ tổ chức tại Hoa Kỳ. Qua đây, tôi cũng mong muốn, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia Hội nghị này được tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) đầu năm 2012.

Sau cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&CN, liệu sẽ có những cam kết gì từ IAEA nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hơph tác giữa hai bên, thưa ông?

IAEA khẳng định. Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được sự quan tâm đặc biệt của IAEA không chỉ vì Việt Nam có dự án điện hạt nhân mà còn vì những ứng dụng hạt nhân đã và đang triển khai rất thành công.

Đặc biệt sau sự cố điện hạt nhân Fukushima, vấn đề an toàn điện hạt nhân đặc biệt được quan tâm với sự nỗ lực của IAEA thúc đẩy trao đổi, tăng cường chuyên gia hỗ trợ các quốc gia có điện hạt nhân. IAEA sẽ tăng cường hơn nữa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, an ninh cũng như khả năng vận hành vả xử lý sự cố của các nhà máy điện hạt nhân.

Một số vấn đề IAEA hợp tác, giúp đỡ Việt Nam: Phê chuẩn Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát (AP – Aditional Protocol); Tham gia Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Bản sửa đổi Công ước.

– Đối với Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát, Việt Nam đã ký năm 2007 nhưng chưa phê chuẩn nên chưa có hiệu lực thực thi. Đây là một điều ước liên quan đến việc thanh sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân và các cơ sở liên quan nhằm ngăn chặn việc các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích phi hòa bình (làm giầu, tái chế vật liệu hạt nhân để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt).

Hiện nay, khó khăn của Việt Namkhi phê chuẩn Nghị định thư bổ sung là các cơ quan, tổ chức của ta chưa sẵn sàng về năng lực để đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư bổ sung như hệ thống khai báo, thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định nên khó đáp ứng được các yêu cầu của IAEA khi có kiểm tra đột xuất. Hiện nay ta đang tích cực xây dựng năng lực của các tổ chức có liên quan để có đủ các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc phê chuẩn trước khi bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

– Đối với Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Bản sửa đổi, ta chưa gia nhập Công ước này. Đây là Công ước nhằm mục đích tăng cường an ninh đối với các cơ sở hạt nhân, ngăn chặn và nghiêm trị các hoạt động khủng bố, phá hoại đối với các cơ sở hạt nhân.

Hiện nay Cơ quan pháp quy của ta (Cục ATBXHN) đã nghiên cứu, phối hợp các Bộ ngành (thông qua Tổ công tác liên bộ do một Thứ trưởng Bộ KH&CN làm Tổ trưởng) trao đổi thống nhất những nội dung ta chấp thuận và một số nội dung ta bảo lưu. Bộ KH&CN đã gửi văn bản lấy ý kiến các Bộ ngành, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2011 để phê duyệt trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 (dự kiến tổ chức vào đầu năm 2012 tại Seoul, Hàn Quốc).


 


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)