Các biện pháp bảo tồn đại dương vẫn chưa thực sự hiệu quả

Rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang triển khai các chính sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của Trái đất. Đây là một trong những nội dung chính của Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Kunming-Montreal.

San hô bị tẩy trắng ở Vườn quốc gia Côn Đảo.

Việc thành lập các khu bảo tồn biển, chẳng hạn như công viên biển, là một cách quan trọng để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, chúng phải thực sự hiệu quả trong việc thực sự giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các hoạt động của con người, cũng như không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. 

Với mong muốn làm rõ hơn về vấn đề này, TS. Khưu Thùy Dương (Viện Phát triển Toàn cầu, Đại học Manchester, Anh) đã cùng hai nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá hiệu quả của 50 khu bảo tồn biển ở 24 quốc gia, từ Ecuador đến Madagascar và Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trong bài báo “Incentive diversity is key to the more effective and equitable governance of marine protected areas”. 

“Bằng cách sử dụng bộ 36 ‘biện pháp khuyến khích quản lý’, chúng tôi đã so sánh điểm mạnh và điểm yếu của các biện pháp bảo tồn khác nhau để bảo vệ động vật hoang dã biển, trong đó có các tiêu chí như cung cấp bồi thường tài chính, yêu cầu trách nhiệm pháp lý và thành lập các nhóm địa phương khuyến khích cộng đồng tham gia vào các cuộc thảo luận, ra quyết định và nghiên cứu liên quan”, GS. Peter JS Jones (ĐH College London), một thành viên của nhóm nghiên cứu viết trên tờ The Conversation

Họ đã làm việc với 70 nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau, phỏng vấn những người liên quan đến 50 khu bảo tồn biển, từ ngư dân đến các công ty du lịch và du khách. Họ cũng phân tích các biện pháp bảo tồn biển để xem chúng đạt hiệu quả như thế nào và quan sát các hoạt động hằng ngày trên bờ biển. Mục đích của nhóm nghiên cứu là tìm hiểu cách mọi người đánh giá về hiệu quả của một số biện pháp bảo tồn biển này và tìm hiểu quan điểm của họ về các hoạt động, chẳng hạn như làm thế nào để quản lý đánh bắt cá tốt hơn.

Họ chia mức độ hiệu quả trong quản lý ra làm 5 mức điểm, từ 0 đến 5 (từ không hiệu quả đến hiệu quả). Trong nghiên cứu này, tại Việt Nam, các nhà khoa học đã đánh giá Vườn quốc gia Côn Đảo (1 điểm), Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (2 điểm), Khu Bảo tồn biển Vịnh Nha Trang (0 điểm), Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long (2 điểm).

Số điểm trung bình mà 50 khu bảo tồn biển quốc gia đạt được là 2 – cho thấy đã có nhiều biện pháp bảo tồn được đưa ra trên giấy tờ nhưng không hiệu quả trong việc giảm thiểu tác hại của một số hoạt động của con người nhằm bảo vệ động vật hoang dã ở đại dương. Điều này nhấn mạnh rằng các khu bảo tồn biển phải tạo ra sự khác biệt hữu hình hơn, thay vì chỉ là “khu bảo tồn trên giấy tờ”, tồn tại trong các văn bản pháp lý nhưng không hiệu quả trong thực tế.

Ở Tây Úc, các công viên biển như Ningaloo (3 điểm) và Vịnh Shark (3 điểm) đã triển khai một số biện pháp tương đối tốt để giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo tồn động vật hoang dã đại dương tốt hơn. Tại đây, các nhà quản lý đã thực thi các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đánh bắt cá giải trí, từ đó giúp phục hồi một số quần thể trước đây bị đánh bắt quá mức. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm hoạt động đánh bắt cá xa bờ bất hợp pháp ở các khu bảo tồn. Những người bị phát hiện vi phạm các quy tắc sẽ bị phạt, nhưng những hình phạt cố định này thường không đủ để ngăn chặn hành vi này tiếp diễn.

Nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định rằng không có chìa khóa duy nhất nào dẫn đến thành công – mỗi địa điểm khác nhau sẽ phù hợp với các tổ hợp biện pháp bảo tồn khác nhau. Các khu bảo tồn biển đại diện cho các hệ thống xã hội và sinh thái phức tạp, mỗi hệ thống tương tác theo những cách khác nhau với người dân địa phương. Có một xu hướng chung, đó là sự kết hợp đa dạng các phương pháp quản lý sẽ giúp giảm thiểu nhiều hơn các tác động của đánh bắt cá, du lịch và các hoạt động khác của con người.

Bài đăng Tia Sáng số 13/2024

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)