Cái lý và nghịch lý của Einstein sau 100 năm

Bận rộn với trăm mối lo toan hằng ngày, bạn hãy tìm lấy những giây phút tĩnh lặng một mình dưới bầu trời đêm, ngắm nhìn những ngôi sao leo lét phía chân trời. Biết đâu cái thế giới xa xăm ấy đã vĩnh viễn lụi tàn hàng trăm triệu năm trước đây mà ánh sáng vẫn cứ lầm lũi hành trình qua vũ trụ mênh mông để mang đến cho bạn những dấu ấn của cả một thời đã qua.

Tận hưởng những giây phút được bay bổng trong cái bao la vô tận ấy của không gian và thời gian, có bao giờ bạn thấy ngỡ ngàng hóa ra ánh sáng mà giác quan ta không ngừng cảm nhận hằng ngày lại mầu nhiệm đến thế!

Vật lý học suốt thế kỷ 19 đầy ắp những công trình nghiên cứu về ánh sáng. Nó có hình hài ra sao, sinh ra và mất đi như thế nào, cái gì làm giá đỡ để nó có thể lan truyền được trong khoảng chân không vô tận của vũ trụ? Cũng từ mảnh đất tư duy này mà bao nhiêu tên tuổi đã đi vào sử sách nhân loại. Nhưng họ vẫn không sao đặt chân đến kho báu mà Thượng đế đã cố tình giấu kín. Phải đợi đến đúng 100 năm trước đây, năm 1905 kỳ diệu, khi Albert Einstein công bố liền trong sáu tháng bốn công trình khai phá cho khoa học tiến sâu vào thế giới vi mô với thuyết lượng tử và thuyết tương đối là nền tảng. Từ đó nền văn minh của nhân loại đã tiến lên một tầm cao mới như ngày nay. Người làm nên kỳ tích đó lại là một chàng trai 26 tuổi, mãi không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, đành phải bằng lòng làm một nhân viên bình thường ở Cục cấp bằng Sáng chế Thụy Sĩ miễn sao đủ tiền nuôi vợ nuôi con để còn rảnh tay đi đến tận cùng nơi kho báu, ước mơ vốn đeo bám từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Nghịch lý quá!

Nhưng những chuyện nghịch lý như thế đầy ắp qua cuộc đời và sự nghiệp của Einstein. Cái lý và nghịch lý đan quyện nhau, có khi cái nghịch lý là lớp sơn phủ lên cái lý, cũng có khi cái lý lại bắt nguồn từ chính cái nghịch lý. Bởi chúng ta vốn quen xem nghịch lý là những gì ngược với số đông, với chính thống, với đức tin và tập tục. Einstein không thế. Ông tự do thoát ra khỏi những khuôn phép đó, nhờ vậy đối với ông dường như không thấy làn ranh rạch ròi giữa cái có lý và nghịch lý mà nhiều khi người khác thường xem là hai thái cực.

Đương nhiên, tự do có cái giá phải trả mà vĩ đại như Einstein đành chấp nhận. Và đây chính là bức tường thành sừng sững trước thế hệ ngày nay dù có muốn noi theo con người tiêu biểu nhất này của thế kỷ 20 này cũng chưa chắc đã dám vượt qua. Làm sao dám nghiên cứu khoa học mà không hề được ai tài trợ? Chẳng những thế lại sản sinh ra những công trình tầm cỡ nhất thế giới. Cái lý nằm ở đâu bên trong cái nghịch lý khổng lồ này? Có đấy, đó chính là niềm đam mê khám phá, đam mê đến tột cùng cái đẹp của Tự nhiên. Theo Einstein, một lý thuyết hay chẳng những không được mâu thuẫn với thực nghiệm, nghĩa là được minh chứng từ bên ngoài, mà còn phải đẹp, nghĩa là đạt đến hoàn mỹ ngay bên trong. Cái đẹp của một công trình khoa học vì thế phải đồng điệu với cái đẹp của Tự nhiên. Đó cũng chính là lẽ sống của hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà nghệ thuật, những người luôn tìm thấy ở Einstein nguồn tư duy sáng tạo của mình.

Tại sao chỉ đeo bám theo những ý tưởng “mông lung” ít ai phải bận tâm trong cuộc sống thường nhật như không gian, thời gian, như hạt phấn hoa lơ lửng trong nước v.v… mà Einstein lại in những dấu ấn đậm nét nhất trong rất nhiều lãnh vực khoa học, công nghệ, triết học, nghệ thuật và được bình chọn là gương mặt tiêu biểu nhất của thế kỷ 20? Có thể chưa thật đầy đủ nhưng “Einstein dấu ấn trăm năm“ do nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Tia Sáng vừa ấn hành đã cố gắng làm sáng tỏ phần nào cái nghịch lý dai dẳng và khổng lồ này trong thời đại chúng ta.

Phạm Duy Hiển

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)