Cần bình đẳng giữa doanh nghiệp nội và FDI
Ngày 11/9, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Tài chính cho Phát triển bền vững ở Việt Nam”, nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể về tài chính phát triển ở Việt Nam cho các cơ quan quản lý, hướng đến thực hiện Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030.
FDI cần hướng đến chuyển giao công nghệ. Nguồn: Baodautu.vn
Báo cáo đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong 17 mục tiêu lớn đến năm 2030, trong đó một vấn đề đặc biệt đáng quan tâm là kể từ năm 2007, tỷ lệ các nguồn tài chính cho phát triển so với GDP của Việt Nam liên tục giảm, từ mức gần 40% GDP (2007) xuống còn gần 30% GDP vào năm 2015. Tài chính cho phát triển bình quân đầu người ở Việt Nam hiện chỉ là 1.226 USD/người, thấp hơn mức bình quân khu vực ASEAN là 1.937 USD/người. Nguyên nhân của hiện trạng này là vì các nguồn đầu tư công của Việt Nam đang ngày càng bị thu hẹp do nguồn thu của Chính phủ không ổn định, vốn ODA dù cao nhưng đang có dấu hiệu giảm, cả về giá trị và mức ưu đãi. Tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước còn thấp và tăng chậm, ngược lại với xu hướng chung của các nước ASEAN. Tổng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước chỉ chiếm 38,67% nguồn lực tài chính cho phát triển. Tỷ lệ đầu tư tư nhân bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 490 USD, so với mức trung bình khu vực là 690 USD.
Theo báo cáo, điểm sáng duy nhất là quy mô dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn ở mức cao, chiếm đến 23,4% tổng đầu tư trong nước. Tuy nhiên, FDI dù tăng về khối lượng nhưng tỏ ra hạn chế về chất lượng, tỷ lệ chuyển giao công nghệ thấp, ít có liên kết với các công ty trong nước do Việt Nam đang cố gắng thu hút FDI “bằng mọi giá” (thậm chí cạnh tranh giữa các tỉnh bằng ưu đãi về thuế), mà không tính đến các yếu tố bền vững, dẫn đến tình trạng đóng góp của FDI cho nguồn thu của Chính phủ không tương xứng với mức ưu đãi, đồng thời còn tạo ra một môi trường không bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, ông Haoliang Xu, Giám đốc UNDP Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không phải FDI mà đầu tư tư nhân trong nước mới chính là nguồn tài chính cần ưu tiên hàng đầu trong tương lai. Vì thế, việc cần thiết trước mắt là tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước, đồng thời dừng việc thu hút FDI bằng ưu đãi thuế và chuyển dịch định hướng sang thu hút FDI bằng các yếu tố cơ bản (hạ tầng, dịch vụ, cung ứng, trình độ lao động). Ông Haoliang Xu khuyến nghị chỉ nên thu hút những dự án kết nối các công ty trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu.
Giải pháp quan trọng tiếp theo để đảm bảo tính bền vững của nguồn tài chính cho phát triển là hướng nguồn lực tư nhân đầu tư vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân, bằng cách xây dựng các chiến lược chính sách có thể tạo động lực và hỗ trợ cho đầu tư tư nhân. Đây được cho là giải pháp hợp lý nhất để huy động nguồn lực tư – vốn rất lớn tại Việt Nam, bởi hiện nay các cách truyền thống như vay nợ của Chính phủ đã không còn khả thi – nợ công đã chạm trần, nợ trong nước đã rất cao và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. (Thuận Nam)