Cần cải thiện điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm ở chợ truyền thống
Các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế thuộc Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Tổng cục Thống kê… đã khai thác những điểm truy cập wifi miễn phí để tìm hiểu về tác động của COVID-19 đến các chợ truyền thống ở Hà Nội trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Trong bài báo “Using free Wi-Fi to assess impact of COVID-19 pandemic on traditional wet markets in Hanoi” được đăng tải trên tạp chí Food Security, các nhà nghiên cứu đã phân tích và giải thích dữ liệu theo dõi thiết bị di động từ 25 điểm truy cập Wi-Fi. Điều này sẽ cho thấy những thay đổi trong hành vi của người sử dụng tại hàng trăm cửa hàng và quầy hàng thực phẩm tại 5 khu chợ Hà Nội, từ tháng 7/2019 đến tháng 11/2020.
Louis Reymondin, tác giả chính và đồng chủ trì nghiên cứu, giải thích thông thường, nếu điện thoại thông minh của chúng ta bật chế độ dò Wi-Fi, nó sẽ “quét” để phát hiện các điểm phát sóng Wi-Fi khả dụng, từ đó chia sẻ một địa chỉ duy nhất cho điểm phát sóng – bất kể chúng có kết nối với mạng Wi-Fi hay không. “Cứ mỗi 2 phút, chúng tôi ghi lại mọi điện thoại xung quanh các điểm truy cập, từ đó thu thập được 173.668.702 điểm dữ liệu, tiếp tục lọc ra 13.238.809 điểm dữ liệu hữu ích, tương ứng với 656.789 thiết bị”, ông nói. Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng những dữ liệu trên đều được ẩn danh và bảo mật.
Bất chấp sự xuất hiện hàng loạt của siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống vẫn chiếm khoảng 90% tổng doanh số bán rau tại Hà Nội, đóng vai trò là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, việc thiếu hệ thống truy xuất nguồn gốc và đăng ký bán hàng khiến cho nhà quản lý khó theo dõi quy trình nuôi trồng, vận chuyển của các loại thực phẩm.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, từ tháng 2 đến tháng 7/2020, tổng số lượt khách và tần suất các khách hàng ghé chợ – hay nói cách khác là mức độ tham gia thị trường của người tiêu dùng – đã sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, hoạt động mua bán ở chợ cũng giảm sút mạnh trong những tháng đầu này. Chưa kể, thời gian cao điểm để mua sắm ở chợ cũng thay đổi nhiều, đồng nghĩa với hành vi của người tiêu dùng ở chợ đã khác đi.
“Ngay cả sau khi chính quyền thành phố đã nới lỏng các biện pháp giãn cách, dịch bệnh đã được kiểm soát, lượng người đến chợ vẫn thấp hơn, bởi họ có cảm giác rằng những khu chợ này không an toàn như siêu thị”, ông Reymondin cho biết thêm rằng các nhà quản lý có thể triển khai các giải pháp y tế công cộng liên quan đến dinh dưỡng và sức khỏe để ứng phó với tình trạng này.
Đại dịch đã khiến nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và những người dễ bị tổn thương lâm vào cảnh thiếu thực phẩm. Chợ truyền thống có thể xem là nơi cung cấp thực phẩm tươi sống và bổ dưỡng với giá cả phải chăng, giúp người dân tăng cường sức khỏe trong thời kỳ đại dịch. Nhóm nghiên cứu cho rằng các nhà quản lý cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của chế độ ăn uống trong việc duy trì hệ thống miễn dịch và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất chính phủ nên có biện pháp cải thiện điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm các khu chợ truyền thống cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất liên quan. Điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức tiêu cực của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm ở chợ truyền thống – bởi người dân ngày càng có nhu cầu cao hơn và tiêu chuẩn vệ sinh.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, người tham gia vào nghiên cứu, cho rằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác thu thập dữ liệu đã mang lại những công nghệ tích cực, giúp rút ngắn thời gian khảo sát, thống kê. “Kết quả của dự án là nguồn thông tin quan trọng giúp cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn hoạt động của những người tham gia vào thị trường, từ đó tìm ra giải pháp tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm”, ông kết luận. □