Chi phí tốn kém cho kính viễn vọng thế hệ mới của NASA
Kính viễn vọng James Webb Space Telescope (JWST) kế tục kính viễn vọng Hubble Space Telescope, được kỳ vọng sẽ nhìn sâu hơn vào không gian và xa hơn về thời kỳ cổ xưa của vũ trụ, sẽ có mức chi phí tốn kém hơn 1,5 tỷ USD so với mức 5 tỷ mà NASA dự kiến cách đây 2 năm. Đây là những kết luận của một ủy ban thẩm tra độc lập, điều tra về mức độ và nguyên nhân gây đội chi và trì hoãn tiến độ dự án kính viễn vọng JWST.
“Đây quả là một cơn bão Katrina cho NASA”, tuyên bố từ nhà thiên văn Alan Boss từ Viện Khoa học Carnegie ở Washington D.C., người không phải là thành viên trong ủy ban, nhưng là chủ nhiệm một ủy ban tư vấn độc lập về nghiên cứu thiên văn của NASA. Việc dồn thêm 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để thanh toán cho chiếc kính viễn vọng “sẽ gây khủng hoảng toàn diện cho ngân quỹ dành cho Vụ Khoa học Thiên văn [của NASA]”, ông nói. Ông lưu ý rằng JWST vốn đã chiếm tới 40% ngân sách của NASA dành cho khoa học thiên văn. Như vậy, phần đội chi sẽ khiến chi phí cho chiếc kính lên tới hơn một nửa tổng chi phí cho khoa học thiên văn, Boss nói.
Sau khi dự án JWST được đồng ý triển khai từ NASA vào năm 2008, cơ quan này đã quan liêu không rà soát lại, coi chi phí thực tế cũng giống như chi phí trên bản vẽ, Casani nói. Hậu quả là mức kinh phí được bỏ ra “không đủ để triển khai công việc”, ông nói. Thêm vào đó, các nhà thiên văn đề xuất dự án lên NASA có lẽ đã không dự kiến hết chi phí cho một dự án phức tạp như vậy, vốn đòi hỏi chiếc gương thiên văn lớn chưa từng có, đường kính lên tới 6,5 m. Do JWST có gương lớn hơn nhiều so với Hubble, và nhạy cảm với bước sóng hồng ngoại dài hơn, các nhà khoa học kỳ vọng chiếc kính sẽ nhìn tới được những thiên hà và vì sao đầu tiên, cung cấp hình ảnh của những hành tinh nhỏ tương đương cỡ Trái đất ở ngoài hệ mặt trời, và giúp thăm dò giai đoạn hình thành sớm nhất của các vì sao.
Boss không lạc quan về triển vọng chiếc kính sẽ nhận thêm được nguồn kinh phí mới nào đáng kể. “Trong bối cảnh Tổng thống dè dặt trong việc tăng ngân sách cho khoa học thiên văn, ngân sách Liên Bang thâm hụt nặng nề, khó có thể tìm ra tiền để chi trả cho phần đội chi của kính viễn vọng James Webb Space Telescope, Boss nói.
Thậm chí từ trước khi có báo cáo mới, các nhà thiên văn (bao gồm cả ủy ban tư vấn của Boss) đã thường xuyên bày tỏ lo ngại – lần gần nhất là hồi cuộc họp tháng 9 tại Washington – rằng việc dành chi phí cho JWST sẽ gây trì hoãn triển khai các dự án thiên văn mới. Cách đây một thập kỷ, những người vận động cho dự án đã đưa ra con số tổng chi phí khoảng 1 tỷ USD, ít hơn 1/6 mức chi phí dự kiến mới.
Thành viên ủy ban, nhà thiên văn Garth Illingworth từ Đại học California tại Santa Cruz, người thường xuyên sử dụng kính thiên văn Hubble để tìm kiếm các thiên hà xa xôi, nói rằng, đối với ông thì không có gì để nghi ngờ về tính hợp lý trong kỹ thuật của dự án JWST, rằng dự án xứng đáng với đồng tiền bỏ ra, và sẽ cách mạng hóa ngành khoa học thiên văn.
JWST không phải là dự án duy nhất bị đội chi. Dự án kính thiên văn Hubble từng có mức tổng chi dự kiến là 1,5 tỷ USD tại thời điểm phóng lên không gian, nhưng tới năm 1992 dự án này đã ngốn tới 2,5 tỷ USD. Ủy ban lưu ý rằng tính theo giá trị đồng USD hiện tại, kính viễn vọng Hubble tốn tới 5 tỷ USD.
(Ron Cowen, Science News)