Cơ chế tài chính làm nản lòng nhà khoa học
Tham gia buổi giao lưu trực tuyến sáng nay về chủ đề đổi mới quản lý KH-CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến ngân sách dành cho phát triển KH&CN, đãi ngộ đối với nhà khoa học, và quyền tự chủ của các dơn vị nghiên cứu...
– Ngân sách nhà nước chi cho KH-CN không nhiều, chỉ chiếm 2% chi ngân sách nhưng vẫn có tình trạng trả lại tiền ngân sách do chi không hết. Vậy có hiện tượng như vậy không, thưa Thứ trưởng? Nguyên nhân tại sao lại có tình trạng như vậy, và cách khắc phục như thế nào? (Thanh Hải, 35 tuổi, Nữ, Phổ Yên, Thái Nguyên)
Ông Trần Văn Tùng: Việc Nhà nước hằng năm dành ra một khoản kinh phí khoảng 2% chi ngân sách cho KH-CN thể hiện sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển KH-CN ở nước ta. Hiện nay, cơ chế quản lý tài chính đối với KH-CN đang thực hiện theo cách các nhiệm vụ KH-CN được phê duyệt trước 1 năm. Do vậy, đến năm sau khi bắt đầu lập các hội đồng xét duyệt cụ thể thì phát hiện ra có những nhiệm vụ không đủ điều kiện để triển khai. Cơ quan quản lý nhà nước về KH-CN phải quyết định dừng các nhiệm vụ đó lại. Phần kinh phí dành cho nhiệm vụ này theo quy định của Luật ngân sách phải được nộp về cho Nhà nước, không được chuyển cho các nhiệm vụ khác. Đó là biện pháp quản lý đảm bảo cho việc sử dụng ngân sách Nhà nước không lãng phí và có hiệu quả. Như vậy là có hiện tượng tiền KH-CN được trả lại Nhà nước vì phải tuân theo các quy định. Đây cũng là một trong những khó khăn trong hoạt động KH-CN ở nước ta hiện nay.
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới việc quản lý kinh phí dành cho các nhiệm vụ KH-CN sẽ được chuyển dần về các quỹ KH-CN – có đặc điểm là không bị hạn chế về năm tài chính và sẽ đáp ứng yêu cầu kịp thời nghiên cứu của các tổ chức, cán bộ KH tại từng thời điểm trong năm.
– Thưa ông Trần Văn Tùng, tôi đã từng làm đề tài, dự án cấp Nhà nước về KH-CN và cũng đã thấu hiểu được những khó khăn trong vấn đề tài chính trong KH-CN nói chung và với việc làm đề tài, dự án KH-CN nói riêng. Ông cho biết, thời gian tới, Bộ có những thay đổi nào về cơ chế tài chính đối với việc thực hiện, triển khai các đề tài, dự án KH-CN cấp Bộ, cấp Nhà nước? (Nguyễn Mạnh Hùng, 40 tuổi, Nam, Hải Dương)
Ông Trần Văn Tùng: Khó khăn về cơ chế tài chính đối với các nhà khoa học khi thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu hiện nay là về quy trình, thủ tục, định mức thanh quyết toán các đề tài hết sức phức tạp, rườm rà, làm nản lòng các nhà khoa học. Trong thời gian tới, Bộ KH-CN đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng thông tư hướng dẫn việc thanh quyết toán các nhiệm vụ nghiên cứu một cách thông thoáng hơn.
Ví dụ, Bộ KH-CN đã xây dựng và phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành Thông tư liên tịch về các định mức kinh tế kỹ thuật cho các nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN. Tại Thông tư này sẽ sửa đổi, bổ sung và thay thế Thông tư số 44, Thông tư số 93 về các nội dung chi và định mức chi các nhiệm vụ nghiên cứu, đồng thời hướng dẫn lập dự toán phần chi tiền lương và tiền công vào trong các dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Điều này giúp cho các nhà khoa học không còn phải nghĩ ra quá nhiều chuyên đề không cần thiết và đảm bảo việc thanh quyết toán thuận lợi, dễ dàng.
– Tiền nghiên cứu KH-CN của Việt Nam đang thiếu, nhưng theo tôi cũng lại đang thừa, khi có rất nhiều địa phương, viện, trường nghiên cứu cùng một vấn đề (chẳng hạn như GIS, nhiên liệu sinh học từ thực vật, động vật…) vậy tại sao chúng ra không nghĩ cách đầu tư cho một, hoặc vài đơn vị nghiên cứu phát triển thành sản phẩm hàng hóa để bán hoặc chuyển giao cho các đơn vị khác mà cứ phải nơi nào cũng nghiên cứu lãng phí như vậy?(34 tuổi, Nam, Nghệ An)
Ông Trần Văn Tùng: Thoạt nhìn có vẻ như nhiều nhiệm vụ nghiên cứu ở các địa phương, viện, trường trùng nhau, nhưng thực chất mỗi đề tài nghiên cứu lại có đối tượng nghiên cứu khác nhau.
Ví dụ, cùng là lĩnh vực nhiên liệu sinh học nhưng có người nghiên cứu về một loại cây, người khác lại nghiên cứu về một loại cá để làm ra nhiên liệu sinh học. Hoặc trong lĩnh vực GIS (ứng dụng vệ tinh địa tĩnh) thì có cán bộ nghiên cứu để áp dụng trong lĩnh vực quản lý đất đai, còn những người khác lại nghiên cứu để áp dụng theo dõi về môi trường. Các cơ quan quản lý cũng phải xem xét rất kỹ để tránh tình trạng chồng chéo và trùng nhau về các nhiệm vụ nghiên cứu, đảm bảo cho việc sử dụng kinh phí của Nhà nước có hiệu quả nhất.
– Chúng ta đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP nhưng đến nay chưa thực hiện được, và trong Chiến lược lần này lại nhắc lại mục tiêu đó. Vậy xin hỏi ông, ngành KH&CN nói chung và Bộ KH-CN nói riêng đã có những chiến lược gì để chúng ta đạt được mục tiêu đó? (Hoàng Văn Hợp, 33 tuổi, Nam, Bình Thuận)
Ông Trần Văn Tùng: Để thực hiện mục tiêu tổng đầu tư cho KH-CN từ xã hội đạt mức 1,5% GDP vào năm 2015 cần các doanh nghiệp phải dành ra một số kinh phí cho hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Về mặt chính sách, Nhà nước đã có quy định doanh nghiệp được dành tới 10% lợi nhuận trước thuế cho quỹ phát triển KH-CN tại doanh nghiệp. Trước mắt cần tuyên truyền để các doanh nghiệp biết rõ lợi ích và được phép trích lại khoản kinh phí này đầu tư cho phát triển KH-CN tại đơn vị mình. Trong thời gian tới, Bộ KH-CN phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên trình các cơ quan liên quan có thẩm quyền quyết định để doanh nghiệp có thể trích tối thiểu 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động phát triển KHCN của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh nguồn kinh phí ngoài nhà nước đầu tư cho KH-CN và hoàn thành mục tiêu đầu tư 1,5% GDP cho phát triển KH-CN vào năm 2015.
– Chúng ta vẫn biết hiện đầu tư cho KH-CN còn dàn trải, thiếu tập trung nên hiệu quả đầu tư chưa cao. Chúng ta đã đặt ra trong Chiến lược phát triển KH-CN là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhưng việc xác định những tổ chức KH-CN tiềm năng để đầu tư rất khó. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào và chúng ta phải làm thế nào mới có thể thực hiện định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm? (Hoàng Văn Mạnh, 37 tuổi, Nam, Nam Định)
Ông Trần Văn Tùng: Việc lựa chọn các tổ chức KH-CN để được đầu tư phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, và đủ khả năng giải quyết các nhiệm vụ quốc gia là điều hết sức quan trọng. Bộ KH-CN đã thành lập một đơn vị chuyên trách (Viện đánh giá, định giá KH-CN) thực hiện nhiệm vụ đánh giá hoạt động của các tổ chức KH-CN với các tiêu chí được lập ra một cách khoa học, có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Trong năm 2011 và năm nay, Bộ đã yêu cầu đơn vị nói trên thí điểm đánh giá, lựa chọn một số tổ chức để thực hiện đầu tư phát triển. Tôi hy vọng với kết quả đánh giá của Viện, chúng tôi sẽ tìm ra được các tổ chức xứng đáng được đầu tư, nâng cấp, đạt tới trình độ nghiên cứu của các nước trong khu vực.
– Bộ KH-CN đã nói đến việc đãi ngộ nhà khoa học như coi nhà khoa học là lao động đặc biệt chứ không phải là cán bộ hành chính, có các danh hiệu riêng cho nhà khoa học…Thế nhưng, từ nhiều năm nay tôi vẫn chưa thấy có chuyển biến gì? Phải chăng Bộ đang gặp khó, hay tại Bộ chưa quyết liệt làm? – (Tuấn Anh, 29 tuổi, Nam, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM)
Ông Trần Văn Tùng: Cách đây khá lâu, Bộ KH-CN đã tập trung xây dựng đề án sử dụng và trọng dụng cán bộ KH-CN trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có nhiều điểm tạo môi trường làm việc, các chính sách ưu đãi, tôn vinh khen thưởng đối với các nhà khoa học. Trong đề án cũng đề xuất những chức danh mới như Tổng công trình sư, kỹ sư trưởng đối với những người được giao chủ trì thực hiện những nhiệm vụ quan trọng có tầm quốc gia. Thời gian qua, Bộ KH-CN cũng tổ chức xem xét đánh giá để trình lên trên việc khen thưởng, tôn vinh những nhà khoa học của đất nước thông qua các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN. Để đáp ứng yêu cầu của thực tế, những nội dung về chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ KH-CN đã được đưa vào Đề án đổi mới về tổ chức cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.
– Hiện cán bộ khoa học của chúng ta đang còn gặp rất nhiều khó khăn cả về điều kiện kinh tế, môi trường làm việc lẫn sự đãi ngộ… Trong một số văn bản, chính sách KH-CN đã ban hành mới đây có nói đến việc đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, việc thực hiện những chính sách đó chưa mạnh. Vậy theo ông, làm thế nào để chúng ta đảm bảo được thu nhập cũng như các chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành khoa học để họ yên tâm cống hiến, công tác? – (Nguyễn Bách, Nam, 29 tuôti)
Ông Trần Văn Tùng: Thực tế hiện nay, các cán bộ KH-CN được hưởng mức lương như các khu vực hành chính nhà nước không phù hợp với đặc thù hoạt động nghiên cứu KH. Để đảm bảo mức thu nhập của cán bộ KH-CN trong các tổ chức nghiên cứu, chúng ta cần thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 115. Các cán bộ KH-CN cần nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp nhiều nhất cho tổ chức KH-CN, đồng thời tổ chức KH-CN phải đổi mới cơ chế tài chính, tiền lương tại đơn vị để có thể chi trả thu nhập xứng đáng với công sức của cán bộ KH. Mức thu nhập của cán bộ không bị hạn chế trần, thậm chí có thể gấp đôi, ba, năm lần so với các bậc lương hiện hành. Việc chi trả thu nhập cho cán bộ KH thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ đã được thống nhất trong đơn vị. Với phương án như vậy, hy vọng cán bộ KH-CN có thể yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị và cống hiến nhiều nhất cho hoạt động nghiên cứu.
– Một trong những cái vướng lớn nhất mà KH-CN đang gặp phải đó là vấn đề các tổ chức KH-CN chưa thật sự được giao quyền tự chủ. Và được biết, Bộ KH-CN cũng đang giải quyết bài toán giao quyền tự chủ cho các tổ chức KH&CN. Hiện nay, chúng ta đã làm được những gì và kết quả đến đâu? – (Th.S Nguyễn Thị Bích Hường, 38 tuổi, Nữ, Quy Nhơn, Bình Định)
Ông Trần Văn Tùng: Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các tổ chức KH-CN công lập là một định hướng mà Bộ KH-CN cùng các Bộ, ngành đang tập trung triển khai trong thời gian qua. Về mặt chính sách, chính phủ đã ban hành Nghị định 115, Nghị định 96 quy định về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bộ KH-CN đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng các thông tư hướng dẫn các nghị định nói trên.
Trong thời gian qua, nhiều tổ chức KH-CN khi thực hiện cơ chế này đã tỏ ra hoạt động có hiệu quả và hết sức năng động. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được thương mại hóa, một số sản phẩm đã được hình thành và trở thành phương án sản xuất kinh doanh dịch vụ của tổ chức KH-CN. Điều này góp phần nhanh chóng chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào đời sống và đồng thời có điều kiện tăng thu nhập cho cán bộ KH-CN tại đơn vị.
Một số tổ chức KH-CN đã mạnh dạn chuyển sang hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp KH-CN và đã có doanh thu lớn, giúp thu nhập của cán bộ được cải thiện rõ rệt, như mô hình của Viện Máy và dụng cụ (Viện IMI), mô hình của Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi…
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI để phát triển mạnh KH&CN làm động lực nâng phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN cùng các đơn vị liên quan đang xây dựng Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, nhấn mạnh quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động KH&CN.
Để người dân có dịp trao đổi, đóng góp ý kiến vào đề án trước khi trình Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10/2012, Báo Đất Việt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học- Công nghệ, Bộ KH&CN tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đổi mới quản lý KH&CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và phát triển nguồn nhân lực KH&CN” vào sáng 10/7/2012 tại Trụ sở Báo Đất Việt tại Hà Nội. Tham dự buổi giao lưu gồm có: 1. Ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương 2. Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 3. Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN 4. Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương) |