Công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Sáng nay 7/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.
Chiến lược có bốn mục tiêu, theo đó đến năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đến năm 2020, hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo hiện tượng khí hậu cực đoan đạt mức tiên tiến trên thế giới. Cũng thời điểm 2020, tỷ lệ đất có rừng được nâng lên 45%… Đến năm 2015 hoàn thành việc rà soát và ban hành kế hoạch loại bỏ dần các công nghệ kém hiệu quả; ban hành hệ thống định giá năng lượng mới.
Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính toàn cầu, bao gồm: kịch bản phát thải thấp (B1), kịch bản phát thải trung bình (B2, A1B), kịch bản phát thải cao (A2, A1FI).
Theo kịch bản phát thải thấp: đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng 1,6-2,2°C trên phần lớn diện tích phía Bắc lãnh thổ và tăng ít hơn ở đại bộ phận diện tích phía Nam. Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng phổ biến khoảng trên 6%, khu vực Tây Nguyên có mức tăng ít hơn. Về nước biển dâng, vào cuối thế kỷ 21, trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 49-64cm.
Các bản đồ nguy cơ ngập tương ứng với các mức nước biển dâng được xây dựng cho từng khu vực ven biển Việt Nam. Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.
Đây là phiên bản cập nhật của kịch bản năm 2009, đã được bổ sung các dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu và các phương pháp tính toán mới.
(Visited 1 times, 1 visits today)