Đạo lý đối thoại

Đối thoại với đời và thơ là những băn khoăn và suy tư cuối cùng của Lê Đạt. Sau khi ông đã tìm sáng tạo trong Bóng chữ, đã Ngó lời, đã lật lại huyền thoại trong những Hèn đại nhân, Truyện cổ viết lại, và trong khi ông vẫn cứ đang miên man trong U75 từ tình. Đọc những suy tư ấy, có thể thấy hiện lên một chân lý được đúc kết từ suốt một cuộc đời khổ nhọc của ông: chân lý – đạo lý về sự đối thoại.

Di sản văn chương của Lê Đạt để lại không thuộc loại nhiều về số lượng nhưng có độ phong phú và sức nặng của trọng lượng nghệ thuật. Quan trọng hơn nữa, qua toàn bộ di sản ấy, người ta có thể hình dung được chân dung của một người lao động văn nghệ đích thực. Cái hình dung của A. Camus về người văn nghệ, một loại người đặc biệt, như homo habitus, homo sapiens có lẽ chưa đủ với Lê Đạt. Đành rằng, ông là một người văn nghệ đúng nghĩa, một nhà thơ đúng nghĩa, trong tình yêu vô bờ bến với con chữ, cái chất liệu bản thể của nghệ thuật mà ông theo đuổi, cái chất liệu bầu lên nhà thơ – như một câu nói mà ông vẫn yêu thích và được nhắc đi nhắc lại trong mấy bài viết của ông. Thế nhưng, để hình dung ra Lê Đạt, chỉ qua tình yêu chữ, qua cái phương diện người văn nghệ ấy, có lẽ vẫn là chưa đủ. Trong ông còn có một phẩm chất đặc biệt của người lao động. Tôi yêu quý và kính trọng vô cùng hình ảnh mà ông dùng để nói về công việc của nhà thơ: người lực điền lao động quần quật trên cánh đồng chữ nghĩa, đổ hàng bát mồ hôi để gặt lại một hạt chữ. Cái phẩm chất đáng quý đó đã hiện diện qua những Bóng chữ, Ngó lời, những Hèn đại nhân, Truyện cổ viết lại của Lê Đạt. Và phải đến những trang viết cuối cùng của cuộc đời Lê Đạt, một phương diện khác, dẫu đã từng bàng bạc trong những sáng tạo nghệ thuật của ông, mới thực sự hiện hình rõ nét: chân dung của một Lê Đạt – người trí thức.

Trong cơn lạm phát ngôn từ đang lan tràn trong xã hội ta ngày nay, nhiều khi người ta hay lẫn lộn các chuyên gia với những trí thức. Chuyên gia là một phẩm chất cần thiết của xã hội hiện đại lành mạnh và trí thức trước hết cũng cần phải là một chuyên gia. Nhà thơ cũng thế. Anh ta là chuyên gia trong lãnh địa mênh mông chữ nghĩa của mình. Thế nhưng phẩm chất chuyên gia lại chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ của một người trí thức. Thậm chí, nếu đóng đinh trong cái lãnh địa nghề nghiệp của riêng mình, người chuyên gia không thể trở thành trí thức. Một trong những phẩm chất hàng đầu của trí thức là khát vọng vươn vượt ra khỏi thế giới trí tuệ chật hẹp của riêng mình để tìm đến những vùng vô biên của chân lý. Những tiểu luận, đoản văn của Lê Đạt thể hiện rất rõ khát vọng này. Ông không chỉ thân thuộc với âm nhạc hay hội họa, những lĩnh vực rất gần với văn chương, mà ông còn là một trong số không nhiều những “người văn nghệ” ở Việt Nam tìm đến với những công trình khoa học cơ bản thuộc những lĩnh vực hết sức “khó nhằn” như vật lý lý thuyết. Tất cả đối với ông đều là những “người hàng xóm thân thiết” như tên một tiểu luận ông viết không lâu trước khi qua đời. Trong cuộc hành trình của mình trong văn chương Việt Nam hiện đại và đương đại, không nhiều lần, tôi bắt gặp một nhà thơ, xin nhấn mạnh, một nhà thơ, như Lê Đạt dám khẳng định một chân lý rất đơn giản: “Nhà khoa học không có tưởng tượng chỉ là một công chức khoa học thồ một khối kiến thức nặng nề trên lưng như “cái bướu của anh gù” (chữ của Nietzsche). Nhà nghệ thuật thiếu lý tính chỉ là một nghệ sĩ thứ phẩm mắc bệnh vĩ đại cũng cần chữa trị hoặc nên đổi nghề”. Thường khi, người ta bám vào những “cảm hứng”, “chất nghệ sĩ”, hay gì gì nữa để che dấu … cái bất lực của mình với tư cách nhà nghệ sĩ. Tất nhiên, ở Lê Đạt, những cuộc “vượt ngục” ra khỏi lãnh địa “chuyên gia chữ” còn có một khía cạnh đáng quý khác. Nó không chỉ là một cuộc lang thang dạo chơi hoặc một thú kiếm tìm “đồ trang sức chữ nghĩa” để cài lên thêm trang phục của mình. Đó là những cuộc tìm kiếm đích thực một cái gì đằng sau tất cả, đằng sau nghệ thuật, đằng sau khoa học.

Nhiều người thường định nghĩa trí thức là người tìm ra chân lý. Tôi cho rằng, việc tìm ra chân lý không đơn giản đến thế. Đành rằng có những trí thức tìm ra chân lý nhưng còn có cả những trí thức, nói như nhà thơ Dương Tường – “đứng về phe chân lý”. Và trong thế giới mà chúng ta đang sống, “đứng về phe chân lý” đôi khi cũng nhọc nhằn không kém “tìm ra chân lý”. Lê Đạt là một người như thế. Nhiều luận điểm của ông không phải là lần đầu tiên được nói ra. Ví như về chữ trong thơ, ví như về bản sắc dân tộc, về khoa học và nghệ thuật…. Thế nhưng, qua những gì Lê Đạt viết ra, ta thấy ông đã thực sự sống, trăn trở với những luận điểm đó. Ông đã làm cho những ý tưởng đó có một đời sống trong một thế giới ngôn từ với “vân chữ” riêng Lê Đạt. Là một nhà thơ, Lê Đạt đi đến tận cùng trên con đường hóa thân cho chữ của mình. Ông nói tuyệt hay về lẽ tương đối của cái gọi là chân lý: “Con người càng ngày càng hiểu rằng tri thức của mình là hữu hạn, rằng chân lý là một quá trình tiếp cận trường kỳ, chân lý luôn luôn trên đường đi và không có ngày Chúa nhật cũng như không có một công ty độc quyền chân lý”. Ông cũng nói tuyệt đẹp về thơ hiện đại, một thứ thơ “không phải một trường phái khép kín. Mà một trường phái mở. Nó được xây dựng trên một nhu cầu đối thoại triệt để. Một tinh thần bao dung “vô ngạn”. Và một tình bạn hào hiệp của những người đồng hành nghĩa”; về những nhà thơ “như Lý Bạch, Saadi, Goethe, Tagore, ở vào buổi chiều tóc bạc vẫn thu hoạch những mùa thơ dậy thì”; về một câu thơ mà đọc nó, “ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện đến những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn…”. Đọc tiểu luận của ông, cái đẹp không chỉ đến từ những phát hiện, những luận điểm mà từ những hình ảnh ngôn từ vô cùng độc đáo. Những “công ty độc quyền chân lý”, những “mùa thơ dậy thì”, những “thủng thỉnh đi vào bất tử”. Mọi chữ đều có chỗ trong thế giới của ông, từ những chữ cao siêu đến những chữ tầm thường, “bình dân”, “quê mùa”,.. và vào trong thế giới ấy, nó được hóa thân để lung linh trong những “công án” chữ tuyệt đẹp. Chữ không chỉ bầu lên nhà thơ. Nó còn làm nên nhà thơ. Khả năng tái tạo tất cả những chân lý, những luận điểm đôi khi đã trở nên quen thuộc vào trong một thế giới chữ độc đáo và đầy sức gợi, làm cho nó một lần nữa hiện ra như mới xuất hiện lần đầu chứng tỏ Lê Đạt sống với những chân lý ấy, hóa thân vào nó và, nói như một nhà Nho, “làm sáng cái đức sáng” bằng cách riêng của mình. Ông “đứng về phe chân lý” bằng cách ấy.

Và một người trí thức “đứng về phe chân lý” không chỉ bằng cách sống với chân lý mà còn bằng cách đánh động kẻ khác về chân lý. Theo tôi, trong một thế giới đầy những simulacre sản phẩm của truyền thông, đánh động kẻ khác về chân lý cũng quan trọng không kém tìm ra chân lý. Nhiều người đã nói đến một văn phong cô đọng đầy sức nén của Lê Đạt. Điều đó hoàn toàn đúng. Dẫu vậy, theo tôi, sức nén, sự cô đúc ngôn từ sẽ không là gì nếu thiếu một điều vô cùng quan trọng, khả năng phát hiện ra chân lý đằng sau những đối lập dưới cái nhìn của lôgich hình thức và dùng chính những đối lập ấy để tạo nên “cú sốc” tinh thần cho người đọc. Không chỉ trong những đoản ngôn mà trong cả tiểu luận của Lê Đạt cũng chứa rất nhiều những “cú sốc” như thế. Kiểu như: “Diva H. nổi dài dài mà không chìm vì cô biết lặn. Đó là phép Yôga của danh vọng”. Hay: “Đọc đâu đó ở Nietzsche: Tôi có một ý tưởng hay họ toan tính dung tục hóa chúng thành những chân lý”. Hay: “Hiền tài hay “hỗn” tài đều là nguyên khí quốc gia. Các nghệ sĩ nòi đều ít nhiều dính một trong tội: Tội kháng chỉ”. Với những đoản ngôn chứa đựng những mâu thuẫn đầy tính khai mở như thế, người thơ “một nắng hai sương, lầm lũi, lực điền trên cánh đồng giấy, đổi bát mồ hôi lấy từng hạt chữ” giờ đây mang cả dáng vẻ của một thiền sư phát ra những “công án” có khả năng thức tỉnh.

Và cuối cùng, phẩm chất của một trí thức được thể hiện ở khả năng của anh ta dám đối diện với những vấn đề thực sự của nhân sinh. Khi một nhà vật lý phát minh ra năng lượng nguyên tử. Ông ta là một chuyên gia. Khi ông ta bắt đầu suy nghĩ về việc thứ năng lượng đó sẽ được sử dụng để làm gì, khi đó ông ta bắt đầu trở thành một trí thức. Xét theo “ba rem” đó, Lê Đạt có đủ phẩm chất của một trí thức đích thực. Điều đó thể hiện qua những băn khoăn của ông về người tài, về bản sắc dân tộc, về tham nhũng, về những người quản lý văn hóa…. Và trên tất cả, điều quan trọng nhất trong những gì còn lại của Lê Đạt là sau một hành trình vượt thân phận “chuyên gia thơ” để trở thành một trí thức của mình, sau cả một cuộc đời không thiếu khổ nhọc và đau khổ, sau những cuộc viễn du trên những miền đất mênh mông của tri thức, ông phát hiện ra một thứ chân lý và cũng là một đạo lý: chân lý về sự khác biệt và sự đối thoại. Dẫu là suy tư về các vấn đề xã hội, về tri thức hay về nghệ thuật, đều có thể đọc thấy trong ông một thái độ “căm thù” duy nhất đối với tình trạng lưỡng phân của tư duy, đối với thái độ triệt tiêu cái khác biệt, với sự cuồng tín và sự giản hóa. Chính ý thức và cái khác đã làm nên trong ông một thứ đạo lý đầy tinh thần bao dung chấp nhận cái mới, chấp nhận cái khác biệt, một thái độ đồng cảm với những thân phận cô độc đi tìm những “chân trời”.

Tất nhiên, sự bao dung, cái khác biệt và sự đối thoại là những chân lý vô cùng xưa cũ của thế giới hiện đại. Dẫu vậy, để nhận ra những chân lý vô cùng xưa cũ ấy, đôi khi người ta lại phải trả giá bằng những nỗ lực kinh người.

Phạm Xuân Thạch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)