Để KH&CN thực sự là đòn bẩy
“Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên nhanh và phát triển bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KH&CN.”
Cũng trong dịp này, Bộ KH&CN vinh dự được nhận Huân chương Độc lập Hạng nhất, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng.
Tại buổi lễ, Thủ tướng ghi nhận “đóng góp của KH&CN trên tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trước đây, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay là rất to lớn.” Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức các thế hệ của ngành KH&CN trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài – những người say mê, kiên trì theo đuổi các ước mơ, hoài bão nghiên cứu sáng tạo.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng “thẳng thắn nhìn nhận các hoạt động KH&CN thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội; việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng đúng mức; việc đào tạo, trọng dụng cán bộ KH&CN còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lý hoạt động KH&CN chậm được đổi mới”.
Để KH&CN thực sự là “đòn bẩy cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển”, Thủ tướng chỉ đạo hoạt động KH&CN cần tập trung vào một số định hướng trọng tâm như sau.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương VI khóa XI về phát triển KH&CN: chú trọng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN ưu tiên phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước; tập trung nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới để bổ sung và hoàn thiện đường lối chính sách, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, và xây dựng Đảng ta vững mạnh, giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, dân chủ XHCN đòi hỏi và phát triển ngày càng cao; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực, và doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao tạo ra năng suất và nhiều giá trị gia tăng cao; khẩn trương thay thế các ngành, các lĩnh vực, và doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.
Tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia: phát triển mạnh và hiệu quả khoa học xã hội và nhân văn, xây dựng và triển khai chương trình khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như toán học, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển; chú trọng các lĩnh vực KH&CN có tính ứng dụng cao, một số liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ; hình thành một số viện KH&CN và đại học nghiên cứu theo mô hình tiên tiến trên thế giới; ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN: thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ KH&CN gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả phục vụ cho nhu cầu quốc gia, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực, và địa phương. Phát huy có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; áp dụng cơ chế quỹ và cơ chế khoán chi để nâng cao hiệu quả của các đề tài KH&CN.
Khẩn trương ban hành và cụ thể hóa các chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN: Quan tâm chăm lo các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, và nhà khoa học trẻ tài năng. Có cơ chế chính sách thiết thực và hiệu quả để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam.
Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ, kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ; phát triển hệ thống dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ; kết nối cung cầu sản phẩm KH&CN mới.
Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN theo hướng mở rộng hợp tác KH&CN tầm quốc gia, hợp tác nghiên cứu chung với các đối tác chiến lược, tiên tiến. Tăng cường hiệu quả mạng lưới đại diện KH&CN của Việt Nam tại các địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn, công nghệ cao.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng bày tỏ đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào lực lượng KH&CN nước nhà, và tin tưởng rằng ngày KH&CN sẽ là một sự kiện thường niên, gắn kết cộng đồng KH&CN trong và ngoài nước, truyền cảm hứng và say mê sáng tạo KH&CN cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng xã hội.