Đến năm 2030, Hòa Lạc trở thành đô thị KH&CN

Hòa Lạc sẽ trở thành đô thị KH&CN, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về KH&CN và đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, góp phần giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho Hà Nội vào năm 2030, theo Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc,đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

Phạm vi của Quy hoạch được xác định trên cơ sở địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, có quy mô khoảng 17.294 ha.

Đô thị Hòa Lạc là đô thị KH&CN, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đô thị đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội trên cơ sở gắn kết địa hình tự nhiên, với hệ thống không gian, cảnh quan khu vực Ba Vì – Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh).

Khu đô thị này gồm bốn cụm không gian chức năng chuyên biệt: Khu Đại học quốc gia Hà Nội và các cụm trường phân tán tại phía Nam; khu công nghệ cao Hòa Lạc; khu trung tâm y tế tập trung; khu đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, phát triển gắn kết với địa hình đồi núi và hệ thống hồ nước hiện có của khu vực.

Quy hoạch yêu cầu phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế – xã hội; dân số, lao động; sử dụng đất đai; hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường của đô thị; rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp phù hợp với các dự án đã và đang triển khai trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch.

Về quy hoạch phát triển đô thị, cần xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị: khu phát triển mới, khu bảo tồn cải tạo, khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; xác định chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc phát triển đối với từng khu chức năng.

Quy hoạch phát triển đô thị cũng cần xác định trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, công viên cây xanh, thể dục thể thao và không gian mở đô thị; định hướng cho các hệ thống hạ tầng xã hội như y tế, nhà ở, văn hóa, thương mại dịch vụ, chợ, siêu thị…; có giải pháp phù hợp để phát triển đô thị hai bên đường Hồ Chí Minh theo hướng xây dựng các đô thị hiện đại và đồng bộ, lựa chọn các điểm nhấn tạo bộ mặt kiến trúc cho đô thị tránh ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên, khuyến khích xây dựng một số khu điều dưỡng.

Đồng thời, đề xuất giải pháp sử dụng tiết kiệm và hạn chế sử dụng đất nông nghiệp và đất thuộc vùng bảo tồn sinh thái cảnh quan cho các mục đích phi nông nghiệp.

Về thiết kế đô thị, cần xác định vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị, định hướng về hình ảnh đô thị và không gian kiến trúc theo tính chất, mục tiêu phát triển của từng khu vực. Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật hiện hành.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)