Đi tìm cơ chế “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc”

Trong bối cảnh kinh phí đầu tư còn hạn hẹp và sự phát triển của các lĩnh vực nghiên cứu, từ cơ bản đến ứng dụng, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn, còn chưa thật đồng bộ thì khoa học Việt Nam có cần xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc? và nếu cần thì phải có sự “hậu thuẫn” của những cơ chế, chính sách nào?

Cuộc tọa đàm thu hút sự tham gia của hơn 30 đại diện các nhóm nghiên cứu tại trường viện và nhiều nhà quản lý Bộ KH&CN. Ảnh: Mỹ Hạnh

Đó là những câu hỏi treo lơ lửng trong không gian khoa học Việt Nam nhiều năm trở lại đây, khi quá trình hội nhập quốc tế đã bắt đầu có những thành quả nhất định, từ đội ngũ các nhà khoa học đến số lượng các công bố trên những tạp chí quốc tế uy tín. Vì vậy, cuộc tọa đàm “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc”, do Quỹ NAFOSTED và ấn phẩm Tia Sáng phối hợp tổ chức vào sáng ngày 13/5 đã thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu ở nhiều trường viện cũng như các nhà quản lý Bộ KH&CN. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đã tham gia và phát biểu tại tọa đàm.

Dẫu ở Việt Nam chưa có một chương trình nào cấp quốc gia về nhóm nghiên cứu xuất sắc nhưng ở nhiều quy mô khác nhau, việc đầu tư cho nhóm nghiên cứu xuất sắc đã được bắt đầu, ví dụ như ĐHQGHN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Quỹ NAFOSTED… Tuy nhiên, vẫn còn chưa nhiều nhóm nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu đào tạo được thụ hưởng quả ngọt chính sách, hoặc nếu có thì mới ở mức khiêm tốn.

Do đó, phần lớn trong số họ vẫn còn rất vất vả để chèo chống tìm nguồn tài trợ thông qua các đề tài dự án, làm dịch vụ cho các doanh nghiệp để có kinh phí duy trì đội ngũ, đảm bảo cho hệ thống cơ sở vật chất hoạt động một cách ổn định. Đó là câu chuyện chung của những người đã đi tiên phong trong xây dựng các hướng nghiên cứu tiên phong đạt tầm quốc tế trong lĩnh vực của mình tại Việt Nam: GS.TS Phạm Hùng Việt, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và Phát triển bền vững (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN, ĐH QGHN) qua “Một mô hình phát triển nhóm nghiên cứu trên cơ sở hợp tác liên ngành và hợp tác quốc tế để đáp ứng nhu cầu xã hội và tăng cường chất lượng công bố”; GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Lọc hóa dầu (Bộ Công Thương) “Quá trình R&D, tìm kiếm và hợp tác để vượt qua ‘thung lũng chết’ trong ứng dụng KH&CN; một số đề xuất chính sách đầu tư cho các nhóm nghiên cứu định hướng ứng dụng”…

Với các nhà nghiên cứu trẻ và bắt đầu tích lũy kinh nghiệm để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn, câu chuyện lại càng chật vật. Chia sẻ tại tọa đàm “Kinh nghiệm thực hiện R&D chip bán dẫn và hợp tác với doanh nghiệp, một số gợi ý để nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước cho các nhóm nghiên cứu” và “Kinh nghiệm xây dựng nhóm nghiên cứu xuất sắc về sinh học phân tử; các đề xuất chính sách giúp thúc đẩy hợp tác quốc tế hiệu quả”, cả PGS. TS Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và năng lượng, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) và TS Nguyễn Trọng Thế (Trung tâm nghiên cứu Y học Việt – Đức, Bệnh viện TƯ Quân đội 108) cho biết, đều phải có những giải pháp tình thế để vượt qua thách thức. “Các nhà vật lý vẫn nói, nếu đầu tư công vào khoảng 10 đồng và kéo về từ đầu tư tư nhân một đồng thì đã là thành công. Chúng tôi đã làm được điều này”, TS. Nguyễn Trần Thuật nói, dù tự nhận nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nano và năng lượng chưa phải là mạnh hay xuất sắc.

Giữa lúc các nhóm nghiên cứu của ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật còn gặp nhiều nỗi vất vả để theo được nghiên cứu thì đồng nghiệp của họ ở ngành khoa học xã hội và nhân văn phải đối diện với những tình thế còn nan giải hơn. “Nếu hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, nếu chúng ta sa đà vào những vấn đề quá cụ thể mà không hướng tới được cụm sản phẩm mà có thể phát triển được đội ngũ, năng lực khoa học, năng lực hội nhập (ngoại ngữ) thì có thể nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến mình. Sau năm năm không những không phát triển được mà còn thụt lùi so với xu hướng khoa học. Chính đơn vị chúng tôi đã thấm thía điều này”, GS. TS Hoàng Anh Tuấn (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN), nói.

Vậy, để có được những nhóm nghiên cứu mạnh, khoa học Việt Nam cần những cơ chế gì? Liệu việc trông chờ vào những nỗ lực tự thân có thực sự đủ? Bà Nguyễn Thị Oanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá (Bộ KH&CN) cho rằng, để thúc đẩy những nỗ lực tự thân này, cần phải có chương trình riêng cho xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, tuy nhiên trên thực tế thì “Về mặt quốc gia chúng ta chưa có chương trình tổng thể của quốc gia cho việc phát triển nhóm nghiên cứu mạnh”. Theo nhận xét của bà, để một chương trình như vậy thành công, cần phải có các yếu tố, đó là tuyển chọn nghiêm ngặt với quy trình đánh giá khoa học; kinh phí đầu tư phải tương xứng vào khoảng 150 đến 200 nghìn USD/một năm cho mỗi đề tài…

Ý kiến của các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý tại tọa đàm đã mở ra rất nhiều góc nhìn thực tế và xác đáng xung quanh vấn đề “Xây dựng nhóm nghiên cứu xuất sắc” và mở rộng ra hơn là quan điểm đầu tư cho khoa học theo một cơ chế công bằng, minh bạch, có thể giải trình.

Những vấn đề gợi mở từ cuộc tọa đàm này, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn đến cụ thể hơn ở một bài viết khác, sẽ được xuất bản trong số báo tới.

PV

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)