Điện Ninh Thuận “chống được động đất 9 độ Richter”
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được thiết kế chống động đất 9 độ Richter và cách biển đủ để tránh ảnh hưởng của sóng thần, đại diện nhà thầu Nga Rosatom khẳng định.
– Sau sự cố nhà máy Fukushima của Nhật, điện nguyên tử trở thành nỗi lo lắng của nhiều người về mức độ an toàn. Ông bình luận gì về việc Việt Nam quyết tâm xây nhà máy điện hạt nhân?
– Nhà máy Fukushima sử dụng lò phản ứng thuộc thế hệ 2, sử dụng nguyên lý an toàn chủ động, tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, khi mất điện, hệ thống làm mát khẩn cấp đã không hoạt động được dẫn đến sự cố mất nước, làm tăng nhiệt độ và áp suất vùng hoạt động lò phản ứng, gây ra cháy nổ. Công nghệ của Fukushima được thiết kế từ những năm 60, cách đây 50 năm, đã lạc hậu.
Chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo thiết kế mới thế hệ 3, có hệ thống cơ chế cô lập chất nóng chảy. Dù sự cố xảy ra ở mức độ biến đổi nào thì chất nóng chảy không vượt qua khỏi lò phản ứng phóng xạ. (Trong sự cố Fukushima, các thanh nhiên liệu không được làm mát đã nóng chảy và sau đó phát tán phóng xạ ra môi trường – PV).
Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được đảm bảo an toàn nếu sử dụng công nghệ của Nga.
– Cơ sở nào để tin vào điều đó?
– Với công nghệ thế hệ 3 do Nga xây dựng, có sử dụng thiết bị hút phóng xạ vào bên trong và không cho ra ngoài, nên khi có bất kỳ sự cố,chất phóng xạ và chất xả thải phóng xạ được giữ và cô lập trong phạm vi nhà máy, không vượt qua nhà máy. Công nghệ này duy nhất nước Nga có, các nước khác không áp dụng, vì thiết bị đắt tiền nên các công ty cạnh tranh không sử dụng.
Nếu công nghệ này được áp dụng vào nhà máy Fukushima, sự cố phóng xạ lan rộng đáng tiếc vừa qua ở Nhật sẽ không xảy ra.
Cách đây không lâu, có công ty còn phê bình Nga áp dụng quá nhiều công nghệ an toàn, nhưng quan điểm chúng tôi là đắt những an toàn được đảm bảo 100% là điều quan trọng hơn cả.
Tiêu chuẩn về an toàn của Nga là cao nhất trên thế giới. Tổ máy của chúng tôi có nhiều hệ thống đảm bảo an toàn. Theo thiết kế của chúng tôi, các chương trình hệ thống nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an toàn chủ động và thụ động. Trong trường hợp hệ thống an toàn chủ động không hoạt động các chức năng an toàn vẫn được bảo đảm bởi hệ thống an toàn thụ động.
– Ninh Thuận nằm gần vành đai núi lửa và có đứt gẫy địa chất. Ông đánh giá thế nào về mức độ phù hợp để Ninh Thuận trở thành địa điểm xây lò phản ứng hạt nhân?
– Quá trình khảo sát địa điểm tại Ninh Thuận vẫn đang thực hiện. Tôi nghĩ địa điểm xây nhà máy không có vấn đề gì.
Trên trái đất không có điểm nào hoàn toàn ổn định, hoàn toàn không có nguy cơ xảy ra động đất. Ninh Thuận cũng vậy. Tuy nhiên, dự án lò phản ứng của Nga được thiết kế để chống lại bất kỳ loại động đất nào.
Thời Liên Xô từng có nhà máy hạt nhân trải qua động đất cấp 10, đến nay vẫn cho hoạt động và cung cấp điện. Chúng tôi biết cách xây những nhà máy như thế.
– Vậy nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ chống được động đất cấp bao nhiêu, và sóng thần cao bao nhiêu?
– Theo khảo sát ban đầu, tại Ninh Thuận có thể xảy ra động đất lên đến 7,5 độ Richter, trong khi bản thiết kế, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể chịu được động đất cấp 9. Việt Nam hãy hoàn toàn yên tâm.
Chúng tôi đang khảo sát tìm địa điểm sao cho sóng thần không ảnh hưởng tới lò phản ứng. Địa điểm xây dựng nhà máy cách biển một chút, đủ khoảng cách để sóng thần không tác động xấu được.
Các dự án điện hạt nhân hiện đang và đã xây dựng theo đều thiết kế sao cho khi nhà máy ngập nước các cụm phát điện vẫn hoạt động bình thường. Mỗi tổ máy có 4 máy phát điện diesel phục vụ. Mỗi máy phát điện đứng riêng, trong một khoang kín và hoàn toàn độc lập.
Nhà máy Fukushima có 6 tổ máy hoạt động, trong đó có sự cố với 4 tổ máy đầu tiên. Còn tổ máy thứ 5 và 6 hoạt động bình thường do máy phát điện diesel cung cấp hai tổ máy đó vẫn hoạt động.
Sự cố như Fukushima không thể nào xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân hiện đại.
– Khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam có tác động như thế nào đến các lò phản ứng mà Nga sẽ thiết kế?
– Nga cũng là nước có kinh nghiệm trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở các vùng khí hậu khác nhau, trong đó có khu vực khí hậu nhiệt đới. Chúng tôi từng đưa vận hành 2 tổ máy Thiên Vân, Trung Quốc với điều kiện khí hậu gần giống Ninh Thuận, tổ máy này đi vào vận hành bình thường. Hai tổ máy khác ở Ấn Độ cũng đang chuẩn bị đi vào vận hành, đều do Nga xây dựng ở vùng khí hậu nhiệt đới.
Khi bắt đầu thiết kế một nhà máy nào đó, chúng tôi đã tính đến yêu tố khí hậu và sử dụng vật liệu không rỉ. Ở Trung Quốc, chúng tôi đã dùng vật liệu là titan. Tôi khẳng định, không nước nào, kể cả các nước châu Âu và Mỹ có kinh nghiệm nhiều như Nga.
– Chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là bao nhiêu?
– Ở Nga, 2.700 USD cho 1kW công suất ở một tổ máy. Ở Việt Nam sẽ đắt hơn khoảng 10%, do phát sinh thêm chi phí. Chúng tôi đang nghiên cứu về vấn đề chi phí và chắc chắn sẽ không quá 3.000 USD/kW. Giá này hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhà cung cấp khác.
Nếu với mức giá 3.000 USD thì tổng giá trị hai tổ máy là không quá 6 tỷ USD. Giữa Việt Nam và Nga đã có hiệp định cho mục đích xây dựng nhà máy điện hạt nhân tổng giá trị tối đa là 10 tỷ USD, nhưng không có nghĩa là dùng hết 10 tỷ. Số tiền còn lại dành cho xây dựng hạ tầng và công việc liên quan, xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân ở Việt Nam.
– Dự án có thể khởi công vào năm 2014 như tiến độ dự kiến ban đầu không?
– Các bước đi của dự án hạt nhân Ninh Thuận đang đi đúng tốc độ và vẫn sẽ khởi công như kế hoạch. Có điều mỗi giai đoạn xây dựng, cần có thời gian để nghiệm thu, thời gian này tương đối dài, và do cơ quan độc lập tiến hành.
Theo kế hoạch, năm 2018, nhà máy điện Ninh Thuận hoàn thiện công việc xây dựng. Trước khi đưa nhiên liệu vào lò cần 1 năm để nghiệm thu. Còn với nước có cơ quan giám sát lâu năm thì quá trình nghiệm thu có thể chỉ kéo dài trong 1-2 tháng.
Hiện các cán bộ của Việt Nam đang học tập tại Nga về điện hạt nhân, để sau này tham gia vận hành nhà máy. Chúng tôi cố gắng đến năm 2018 sẽ đào tạo đủ nguồn nhân lực làm điện hạt nhân.