Đón đọc Tia Sáng số 1 năm 2022

Trong những ngày này, khi năm cũ đã qua để nhường chỗ cho năm mới, Tia Sáng lại gửi đến các bạn ấn phẩm đầu tiên của năm 2022.

Rút cục, bằng cách nào đó, chúng ta đã cùng nhau ở năm đại dịch thứ ba, thời điểm mà chắc hẳn, ai cũng có những trải nghiệm của riêng mình về COVID. Không còn nghi ngờ gì nữa, sau nhiều bức bối, lo sợ, đau buồn và cả nghi ngại, đại dịch sẽ còn đem lại cho chúng ta điều gì? Về phương diện cá nhân, có thể chúng ta cảm thấy thật ra, khi tối giản những nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn không thể thiếu xã hội theo một cách khác – xã hội số với rất nhiều hoạt động cần thiết đều diễn ra trên không gian số.

Đây mới chính là vấn đề. Qua “Bài học rút ra từ đại dịch COVID”, nhà sử học Yuval Noah Harari đã nhìn ra thực tế “Trong năm COVID, giám sát đại chúng đã được hợp pháp hóa và phổ biến hơn. Chống lại dịch bệnh là quan trọng, nhưng nó có đáng để hủy hoại sự tự do? Bất kỳ dữ liệu nào thu thập về con người, đặc biệt về dữ liệu sinh học, phải được sử dụng để hỗ trợ con người hơn là để thao túng và kiểm soát”. Mặt khác, dù khoa học đã có những bước tiến vượt bậc trong nỗ lực kiểm soát bệnh dịch nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi sự đeo bám của corona? Một phần là do những quan điểm khác nhau của những người đứng đầu ở những quốc gia khác nhau. “Một lý giải cho sự ngăn cách giữa thành công về khoa học và thất bại trong các quyết sách chống dịch là các nhà khoa học có xu hướng hợp tác toàn cầu, trong khi các chính trị gia lại có xu hướng thù địch. Sự thiếu hợp tác toàn cầu không chỉ thể hiện trong cuộc chiến thông tin mà còn trong sự tranh giành các trang thiết bị y tế đang khan hiếm”.

Nhà sử học Yuval Noah Harari nhận định, loài người không thể ngăn chặn sự xuất hiện của các mầm bệnh mới, bởi đây là tiến trình tự nhiên. Tiến trình của tự nhiên này, không chỉ bao hàm các dịch bệnh mà còn cả sự biến chuyển của vũ trụ, sự đổi thay của khí hậu. Trong quá khứ, Việt Nam đã từng nhiều lần đối diện với thiên tai dịch bệnh, ví dụ ở thời kỳ “Tiểu Băng hà” – thời kỳ khí hậu lạnh ẩm kéo dài bất thường từ những năm 1300 đến những năm 1850. Tuy nằm trong vành đai nội chí tuyến thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nên tác động của “Tiểu Băng hà” không rõ rệt nhưng hiện tượng đóng băng vẫn được sử sách ghi chép. Nhưng liệu sự ảnh hưởng của khí hậu có ảnh hưởng đến các triều đại Việt Nam không? Đó là câu hỏi mà “Thời kỳ Tiểu băng hà: Tác động đến Việt Nam?” sẽ góp phần lý giải.

Cũng trong dòng chảy này, việc lật lại một sự kiện thiên tai xảy ra ở hõm chảo Krakatau nằm ở eo biển Sunda giữa các hòn đảo Java và Sumatra ở Indonesia năm 1883 cho ta thấy, nó diễn ra vào thời điểm triều đình Huế ký Hòa ước Quý Mùi với Pháp và các quan đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lên kế hoạch phế bỏ vua Hiệp Hòa. Những khảo cứu thú vị trong “Vụ phun trào Krakatau năm 1883: Quan sát từ Việt Nam” sẽ cho chúng ta những thông tin mới.

Ngược dòng quá khứ, khi trở lại với thực tại và nhìn về tương lai, chúng ta sẽ thấy những gì? Những vấn đề của dịch bệnh, khí hậu và môi trường dường như chưa bao giờ gắn kết đến vậy. Ngoài COVID, chúng ta đang phải đối mặt với một nguy cơ sẽ đến trong tương lai: sự suy giảm của sức khỏe, thậm chí nguy cơ tử vong sớm, vì ô nhiễm không khí. “Phơi nhiễm bụi PM2.5: Rủi ro cho ai?”, “Kiểm soát ô nhiễm không khí: Khởi đầu cho những chính sách hiệu quả hơn” sẽ cho chúng ta một hình dung về nguy cơ phơi nhiễm dài hạn của các tác nhân như bụi PM2.5, khí SO2, ammonia… trong không khí. Hãy tưởng tượng ở tương lai, nếu không kiểm soát được ô nhiễm, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trước gánh nặng bệnh tật của một cơ cấu dân số già… Để giảm thiểu nguy cơ này, chúng ta buộc phải cứu vãn bầu không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày bằng cắt giảm nguồn gây ô nhiễm, trồng cây, sống “xanh” hơn…

Vậy sau những âu lo về hiện tại và tương lai, chúng ta có thể mong đợi gì ở cuộc sống này? Ồ còn chứ, cũng như bất hạnh, khổ đau rơi khỏi cái hộp Pandora thì hi vọng còn ở lại. Đó là hi vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến, hi vọng về khoa học tiếp tục dẫn dắt chúng ta thoát khỏi đại dịch và hi vọng về cơ hội mà chúng ta đang nắm trong tay, khi đi cùng khoa học. Các bạn có thể thấy niềm tin đó trong “Cấp phép mở”, “Đi chiến khu”, “Hành trình phát triển công nghệ vệ tinh (Phần 8): Khám phá Hành tinh Đỏ”, “Nơi sản xuất thủy tinh đầu tiên trên thế giới?”, “Chì trắng hay câu chuyện về lịch sử Hà Lan”, “Soprano Bùi Thu Trang: Sức hấp dẫn của opera chính là vẻ đẹp chân thực”…

Vậy thì, chần chừ gì nữa mà không cầm số báo này của Tia Sáng trên tay!!!

Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

 

Tác giả