Đón đọc Tia Sáng số 24 năm 2021

Tia Sáng số 24 - một số báo gói ghém rất nhiều suy tư và ngẫm ngợi, một chuyến du hành từ quá khứ tới hiện tại và những dự cảm về tương lai – là một ẩn phẩm “nặng tay” để chúng ta cùng chia tay năm 2021.

Không có ý định “tổng kết” hay điểm lại một năm vốn dĩ đã chồng chéo các sự kiện và đầy rẫy những hư – thật, Tia Sáng số này chỉ nhìn vào một trong vô số sự kiện gây tranh cãi thời gian qua: Facebook, công ty công nghệ sở hữu mạng xã hội nhiều ảnh hưởng bậc nhất thế giới với những chính sách thu thập dữ liệu, thao túng dữ liệu người dùng. Sau các bê bối về chính trị – xã hội của Facebook, giới quan sát công nghệ không khỏi cảm thấy bi quan về hành xử của họ: không chỉ là “trùm” chứa thông tin sai lệch mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những phát ngôn thù ghét. Facebook đã tạo điều kiện cho việc phát tán những tin bịa đặt, đặc biệt là những tin bịa đặt về vaccine trong đại dịch COVID-19; thậm chí còn chủ ý trao cho một số tài khoản nhiều quyền lực hơn các tài khoản khác, gián tiếp cho phép họ thoải mái tung ra những phát ngôn bôi nhọ, vu khống, thù ghét người khác, hình ảnh khiêu dâm trên nền tảng của mình, thao túng dư luận…

Những phân tích về Facebook khiến người ta không khỏi bàng hoàng. Nhưng thật ra mọi việc không hẳn tồi tệ, việc tỏ rõ sự thật về nó lại là cách gợi mở cho chúng ta về việc ứng xử trên mạng xã hội, vì đôi khi một phút bất cẩn, mình có thể vừa là người phát tán tin giả hoặc tin độc hại lại vừa có thể là nạn nhân của những sản phẩm phái sinh đó. Đây là lý do mà chúng ta cần đọc “Facebook, Meta, Metaverse: Cuộc chạy trốn khủng hoảng đạo đức?”, “Sửa chữa Facebook” trong số báo này.

Giữa những thông tin u ám và trong bối cảnh u ám của hiện tại khi bệnh dịch chưa lui mà tình trạng ô nhiễm không khí vẫn còn lan tràn trong những ngày cuối năm, thì những thông điệp từ quá khứ ắt hẳn sẽ giúp ta cảm thấy cân bằng. Đó là lý do vì sao trong số báo này, chúng tôi hình thành cụm bài về di sản quá khứ với những phát lộ mới: “Một giả thuyết khác về Loa Thành”, “Kinh đô Hoa Lư: Sự thật và hư ảo?”, “Thông điệp từ cánh rừng trong thung sụt”.

Với việc lật giở sử liệu và cả những ghi chép cổ, “Một giả thuyết khác về Loa Thành” đưa ra một vấn đề: Loa Thành hay thành Cổ Loa vẫn mặc định được coi là tọa lạc ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhưng căn cứ vào nền móng cung điện cũ, có lẽ kinh đô trước đó không phải là Loa Thành, phải chăng An Dương Vương không hề đóng đô ở Loa Thành thuộc Đông Anh? Việc ngược dòng quá khứ cách đây hàng ngàn năm để xác quyết về một sự thật lịch sử thật không phải điều dễ dàng nhưng việc kết hợp các manh mối lịch sử, giả thuyết An Dương Vương từng lập hai kinh đô, trong đó có một ở Phong Khê hoặc Tống Bình (cũng là địa phận Đông Anh ngày nay) được coi là một cách diễn giải.

Không chỉ có những bất ngờ như vậy, từ những phát lộ từ các đợt khai quật mới đã góp phần giải ảo cho huyền thoại và tranh cãi về kinh đô Hoa Lư. Có thể ai đó cho là ở cố đô này, mọi chuyện đã rõ ràng nhưng thực tế, những điều mới biết về quá khứ sẽ khiến chúng ta phải kinh ngạc. Chuyến du hành về quá khứ từ thời kỳ Holocene tại Ninh Bình đến thời kỳ lập nước và định đô ở Hoa Lư qua “Thông điệp từ cánh rừng trong thung sụt” và “Kinh đô Hoa Lư: Sự thật và hư ảo?” cho chúng ta thấy một điều: trong lịch sử hình thành đất nước, còn có rất nhiều khoảng trống cần được bổ sung, đặc biệt là giai đoạn thế kỷ X đầu Công nguyên, giai đoạn ‘bản lề’ cho bước phát triển huy hoàng của văn hóa, văn minh Đại Việt.

Quá khứ dù đã lùi xa nhưng tác động của nó thì rất rõ ràng bởi càng hiểu về nó, chúng ta càng có thêm lý do để nghiên cứu và bảo tồn di tích cho hiện tại và tương lai. Có thể, những điều chúng ta sẽ phát hiện tới đây sẽ góp phần mang đến giải pháp cho chính mình.

Việc nghiên cứu về quá khứ, hiện tại hay tương lai là công việc của khoa học. Không “trống giong cờ mở”, khoa học vẫn âm thầm thực hiện những việc của mình, dù không phải bao giờ cũng nhận được những chính sách thích đáng. Có lẽ, “Phát triển năng lượng nguyên tử: Không chỉ là hợp tác quốc tế” hay “Nền khoa học có thể mở hơn nữa: Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO” sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những trăn trở của người làm khoa học chỉ để trả lời một câu hỏi “làm thế nào để cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Đan xen giữa những thông điệp ấy, bạn đọc cũng có thể tìm thấy những khoảnh khắc nhẹ nhõm của “Ba cấp độ của sự họ”, “Biến đổi khí hậu làm sụp đổ nền văn hóa Lương Chử?”, “Manga thể thao – ý nghĩa và tầm ảnh hưởng”, “Đố kỵ: Một bí ẩn mang tên con người”, “Theo bước chân Berlioz”…

Vậy thì, chần chừ gì nữa mà không cầm số báo này của Tia Sáng trên tay!!!

Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả