Đón đọc Tia Sáng số 6 năm 2022

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy phức tạp, nơi những ngổn ngang xáo trộn của hiện tại đều có gốc rễ khởi nguồn từ những gì không thể đảo ngược của quá khứ hàng trăm, hàng nghìn năm trước, và bóng dáng của những bất định có thể đến trong tương lai đã hiện hữu ở phút giây này. Giữa mớ bòng bong ấy, thật không dễ xác định nhân - quả, đúng – sai, phải – trái…

Vậy có cách nào để chúng ta nhìn nhận và đánh giá đúng các vấn đề? Thật không dễ dàng nhưng bằng nỗ lực của mình, Tia Sáng đang góp sức gợi mở cho mọi người một góc nhìn khoa học và toàn diện qua từng số báo.

Vậy số báo này sẽ có những gì? Trong không đầy 60 trang nội dung có những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt hằng ngày – bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại số, “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” như thế nào cho đúng, sao cho chính xác về nội hàm và phù hợp về phong cách, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại…, cũng như những vấn đề mà chúng ta từng nghe, thậm chí từng sử dụng như mạng xã hội Telegram, máy tính lượng tử…

Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nói ít nhiều về tính bảo mật của dữ liệu cá nhân trong không gian số. Những khuôn khổ pháp lý mà Việt Nam đang xây dựng cũng nhằm bảo vệ lợi ích của những cá nhân nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để những dữ liệu này trở thành một nguồn lực xã hội, tuy nhiên việc triển khai dự thảo các văn bản quy định vẫn còn có những điểm chưa thật sự lý tưởng. do đó trong bài “Bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam?”, các tác giả cho rằng điểm máu chốt là “cần xác định mục tiêu bảo vệ dữ liệu cá nhân không triệt tiêu khả năng tận dụng hợp lý các cơ hội kinh tế mà dữ liệu mang lại. Tiếp đó, cần xem xét xây dựng một đạo luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân dựa trên cách tiếp cận quản lý rủi ro, thúc đẩy trách nhiệm giải trình thay vì quá chú trọng thắt chặt quản lý hành chính lần đầu đối với hoạt động xử lý dữ liệu nói chung, chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới nói riêng”.

Ở một lĩnh vực khác, tuy có vẻ “im ắng” trong thời gian hiện tại nhưng lại dễ thổi bùng nhiều cuộc tranh luận “trà dư tửu hậu”, hoặc trên các trang mạng xã hội, đó là tiếng Việt. Thứ ta vẫn dùng hàng ngày, gõ các văn bản và truyền tải các thông điệp cảm xúc, thông tin… hóa ra lại vô cùng phức tạp. “Biết chữ quốc ngữ chưa chắc là biết tiếng Việt”, bởi theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, “muốn sử dụng tiếng Việt cho chuẩn trước hết phải hiểu đúng từ vựng trên cả ba phương diện từ nghĩa, từ pháp và từ nguyên. Đây là điều mà các từ điển tiếng Việt hiện có đều chưa đạt được trọn vẹn, nên những người quan tâm tới tiếng Việt còn có rất nhiều việc phải làm, những người hoạt động văn tự còn có rất nhiều điều cần lưu ý”. Với cái nhìn sâu sắc của một nhà nghiên cứu cái đau đáu của một người yêu tiếng Việt, ông đánh giá “nói rộng ra thì sự hiểu biết về cả quốc sử, quốc ngữ lẫn quốc văn ở Việt Nam hiện nay đều dưới trung bình so với cái mức cần thiết để xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tổ chức xã hội và bảo vệ đất nước”.

Khi số báo này tới tay bạn đọc thì ngày 8/3 đã trôi qua nhưng vấn đề Tia Sáng chuyển tải không chỉ gói gọn trong ngày quốc tế phụ nữ, đó là vai trò của phụ nữ trong xã hội hôm nay. Định kiến giới, với những gốc rễ lịch sử, tưởng chừng đã tàn lụi sau những phong trào rầm rộ “đòi quyền bình đẳng” nhưng lại khoác thêm cho người phụ nữ nhiều khuôn mẫu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” hơn. Thậm chí, ngay cả sách giáo khoa cũng định hình “nhân vật nữ chỉ làm nội trợ, giáo viên, nhân viên văn phòng… trong khi nhân vật nam là bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, công an, bộ đội. Đáng chú ý, nam giới chiếm tới 95% các nhân vật lịch sử và 88% các nhân vật đương đại, còn nữ giới chỉ chiếm 5% các nhân vật lịch sử và 11% các nhân vật đương đại. Thậm chí, các hiện tượng rất trung tính như đám đông xuất hiện trong các hình ảnh trong sách giáo khoa cũng thấy rõ xu hướng đó”. Vậy “Điều gì có lợi cho cả hai giới?”, câu hỏi khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ, phải thay đổi…

Trong mỗi số báo của Tia Sáng, đan xen giữa những câu hỏi phức tạp là những khoảng lặng, những điểm bình yên để mọi người có thể ngẫm ngợi, suy tư hoặc đơn giản là để nắm bắt và thả lỏng. Do đó, bạn đọc có thể tìm đọc “Một chuyến về thăm quê” (kỳ 2) – Lê Dũng Tráng; “Tính toán lượng tử: Thực tế hay cường điệu?” – Neal Koblitz; “Telegram chống Facebook thế nào?” (Kỳ 3) – Nguyễn Quang dịch; “Phát minh vaccine ho gà: Những người hùng thầm lặng” – Cao Hồng Chiến lược dịch; “Đưa tin về quấy rối tình dục: Thế nào mới khách quan?” – Lê Hiền Trang; “Để học sinh an vui đến trường” – Nguyễn Thụy Phương; “Fanfiction của fan, do fan và vì fan” – Thùy Cốm; “Orhan Pamuk: Tiểu thuyết gia là nghệ sĩ ?” – Hiền Trang…

Mọi người quan tâm đến Tia Sáng có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả