Đón đọc Tia Sáng số 7 năm 2022

Số báo của những ngày tháng 4 đã thành hình với bao điều mới mẻ, hữu ích và thú vị. Thật khó tưởng tượng là chúng ta có thể trải nghiệm tất cả những điều đó trong một số báo với vẻn vẹn chưa đầy 60 trang nội dung, và trải nghiệm không chỉ trong vòng một vài giờ!

Mỗi khi chuẩn bị cho một số báo mới, chúng tôi lại nghĩ đến bạn đọc ở mọi miền đất nước, và cả các bạn đọc ở nước ngoài. Liệu chúng tôi có thể đem đến điều gì cho mọi người, qua các trang báo? Liệu chúng tôi có thể phản ánh và lý giải những điều đã và đang diễn ra ngoài kia, nơi những sự việc hiện tượng diễn ra trong sự chồng chéo, đan cài của nguyên nhân – hệ quả? Liệu những nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai có thực sự được giảm nhẹ, nếu chúng ta hành động ngay từ bây giờ?… Đó là những câu hỏi cứ trở đi trở lại trong suốt những ngày chúng tôi thực hiện các số báo.

Và đây, số báo của những ngày tháng 4 đã thành hình với bao điều mới mẻ, hữu ích và thú vị. Thật khó tưởng tượng là chúng ta có thể trải nghiệm tất cả những điều đó trong một số báo với vẻn vẹn chưa đầy 60 trang nội dung, và trải nghiệm không chỉ trong vòng một vài giờ!

Vậy chúng ta có thể tìm đọc những gì ở một số báo như thế? Trong số báo này, mọi người sẽ cùng trải nghiệm một không gian đa dạng và ẩn chứa rất nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội hôm nay. Ai cũng có thể thấy một phần không gian nho nhỏ của mình ở đó.

Nếu ở khía cạnh khoa học, đó là một không gian học thuật không hẳn quá đại chúng nhưng một vài năm trở lại đây cũng được đại chúng quan tâm, sau những tranh luận về tính liêm chính. Làm thế nào để bảo vệ và gìn giữ tính liêm chính cho một nền học thuật còn mới phát triển? Khi đọc “Đánh giá kỹ năng và sản phẩm khoa học” của giáo sư Pierre Darriulat, chúng ta sẽ chợt hiểu rằng, vấn đề mà học thuật Việt Nam đang tranh luận sẽ không chỉ có ích cho giới học thuật hay giáo dục mà còn có tác động đến rất nhiều khía cạnh của đời sống. Nhìn rộng ra thì để phát triển, nơi nào lại không cần đến sự liêm chính, khiêm tốn, nội lực và sự đánh giá khách quan?

Nếu ở khía cạnh xã hội, đó là hàng chục triệu người sẽ có cơ hội được thụ hưởng một mức thu nhập mới, nếu đề xuất tăng lương tối thiểu được thông qua. Trong bối cảnh hiện nay, được tăng lương là sự mong đợi của rất nhiều người, đặc biệt những công nhân làm việc ở các nhà máy, các khu công nghiệp và vẫn phải sống một cách chật vật với đồng lương ít ỏi. Nhưng liệu tăng tương tối thiểu có đủ để sống tối thiểu? Trong bài “Tăng lương tối thiểu: Để có thể đủ sống”, các nhà kinh tế sẽ phân tích cho chúng ta thấy tác động của nó với đời sống của người thụ hưởng và chi phí đầu vào của sản phẩm họ làm ra.

Câu chuyện về xã hội hôm nay, đâu chỉ có chuyện tiền lương. Thế giới hiện tại, trong đó có Việt Nam, vẫn phải chống chọi với đại dịch COVID và rất nhiều dịch bệnh khác. Việc tiêm chủng không chỉ giúp chúng ta có khả năng phòng ngừa bệnh tật mà còn giúp hệ thống y tế không rơi vào khủng hoảng. Hơn ai hết, chúng ta thấm thía điều này. Việc Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế đi lại, cho phép mở cửa hàng quán, cho phép tụ tập, ăn uống… cũng là nhờ tiêm chủng. Tuy nhiên, vẫn có một số người cảm thấy lo ngại, thậm chí phản đối vaccine với rất nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là sợ tác dụng phụ, tính an toàn và tính hiệu quả. Vậy vaccine là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh? Có bắt buộc phải tiêm vaccine? Nó là cách tốt nhất để phối phó dịch bệnh? Một khi đã hiểu được những câu hỏi này, hẳn chúng ta sẽ tự quyết định được một cách đúng đắn. Đó là lý do chúng ta nên dành thời gian để đọc “Bắt buộc tiêm chủng vaccine COVID-19: Giải pháp cuối cùng”, “Chống vaccine: Nhóm thiểu số đáng sợ”.

Những gì khiến người ta thêm tin vào tin giả, tin thất thiệt liên quan đến vaccine hóa ra, lại gần gũi với mạng xã hội. Vì thế, câu chuyện về Telegram mà Tia Sáng đăng tải đến kì 4 trong số báo này sẽ giúp chúng ta xâu chuỗi về một mạng xã hội mới trong thế đối nghịch với Facebook.

Có lẽ, với “truyền thống” của Tia Sáng, một số báo không chỉ gói gọn trong những câu chuyện này. Đó còn là những câu chuyện cuộc đời, những mảnh ghép cuộc sống và những gì chúng ta cảm thấy yêu hơn, gắn bó hơn với khoa học và cuộc đời này: “Tái hiện bức tranh 100 ngày chống dịch đầu tiên”, “Homo imaginatus – Loài người tưởng tượng”, “Ai phán xét ‘Giáo hoàng’?”, “Di sản của Marianne North: Nét vẽ ghi nhận loài mới”, “Một năm văn đàn vắng Nguyễn Huy Thiệp”, “Drive my car – Bí quyết của đạo diễn và biên kịch?”, Nadezhda Obukhova – Một tâm hồn Nga thuần khiết”.

Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không cầm một tờ Tia Sáng số mới trên tay?

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

BBT

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)