Đón đọc Tia Sáng số 8 năm 2022

Tia Sáng số mới chào bạn đọc,

Bạn nghĩ gì về một số báo mới, về khoảnh khắc chạm tay vào một thế giới mà ở bên trong nó hứa hẹn bao nhiêu điều diệu kỳ và bất ngờ? Dưới lăng kính khoa học, tất cả bỗng hiện ra với một diện mạo khác biệt, đôi khi không giống những gì chúng ta vẫn hình dung, và hơn nữa, rọi ánh sáng mới vào cả những điều tưởng chừng đã quá quen thuộc, khiến nó bật lên những ý nghĩa mới. Đó là những gì chúng tôi muốn gửi gắm qua số báo này!
Nhưng có thật thế? Có thể câu nói này khiến mọi người cảm thấy tò mò và tự hỏi như vậy.
Thì đây, “Quyền riêng tư và văn hóa Việt” (Huỳnh Thiên Tứ) đề cập đến một khái niệm mà gần đây, chúng ta thường hay nhắc đến “quyền riêng tư” – quyền tự mình bảo vệ, nhờ pháp luật bảo vệ, hoặc cấm kẻ khác không được xâm phạm đến những không gian, những vật thể, những thông tin mà mình muốn giữ kín. Đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay, quyền riêng tư là điều tưởng chừng hiển nhiên và là điều mà nhiều người đã bắt đầu có ý thức chủ động giữ kín thông tin cá nhân để chống lại sự nhòm ngó, sự tò mò của người khác vào cuộc sống của mình và gia đình mình.
Tuy nhiên, bảo vệ quyền riêng tư trong xã hội Việt Nam hiện nay không dễ, bởi không chỉ thói tò mò – đôi khi biến quyền riêng tư thành điều vô nghĩa – là một thuộc tính cố hữu của con người, mà còn có những gốc rễ bắt nguồn từ văn hóa. Khái niệm “quyền riêng tư” dường như xa lạ với văn hóa Việt Nam, nơi cái tôi cá nhân buộc phải đặt sau cộng đồng, “nhường bước trước những lợi ích lớn lao hơn của tập thể. Cá nhân không có vị trí gì đáng kể trong xã hội truyền thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên thậm chí nhấn mạnh, trong xã hội Việt Nam, “l’individu n’est rien” (tạm dịch: cá nhân không là gì cả)”.
Với mâu thuẫn này, chúng ta sẽ thực thi quyền riêng tư ra sao trong xã hội hiện đại, nhất là khi xã hội ấy đang có thêm một đời sống khác trên không gian mạng, nơi dữ liệu cá nhân là một nguồn thông tin “béo bở” có tiềm năng sinh lời? Con người cá nhân, giữa những thuật toán, sẽ ra sao? Đó là cả một chủ đề quá lớn mà “Quyền riêng tư và văn hóa Việt” chỉ giúp gợi mở những suy nghĩ mà mỗi người có thể dành thời gian nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và có quan điểm ứng xử của riêng mình.
Cũng nhìn nhận vấn đề con người xã hội, nhưng ở một góc độ khác, “Tố cáo xâm hại tình dục: Áp lực phẩm giá và kẽ hở luật pháp” (Thu Quỳnh) nhấn mạnh vào một vấn đề tưởng chừng như nghịch lý: các vụ xâm hại tình dục ở Việt Nam dễ chìm vào quên lãng và chính nạn nhân tố cáo mới là người cảm thấy bị nhục nhã tới mức phải tự tử, gia đình phải chịu áp lực, không muốn hoặc không thể tố cáo thủ phạm. Việc tố cáo kẻ thủ ác thường ít khi diễn ra vì nó liên quan đến ‘danh dự gia đình’. “Truyền thống Nho giáo, áp lực danh dự gia đình dòng họ thường khiến gia đình nạn nhân phải rơi vào trạng thái ‘cân nhắc’ tính toán thiệt hơn, thậm chí trải qua quá trình thương lượng với gia đình thủ phạm để vụ việc không loang rộng, để bảo toàn danh dự”.
Những câu chuyện đời, chuyện thân phận con người, vì thế, gắn liền với gốc tích văn hóa, với những gì diễn ra trong quá khứ nên dù có bước sang thế kỷ 21 và mang những ước mơ hướng đến một tương lai toàn bích thì vẫn không thể đảo ngược hay thay thế được quá khứ. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta có thể làm được, ví dụ như “cộng đồng nhìn nhận lại những đòi hỏi về bổn phận của phụ nữ, thảo luận nghiêm túc về văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân”…
Tất cả những gì chúng tôi gói ghém trong một số báo không chỉ có thế. Nếu nhìn toàn cảnh một số báo với gần 60 trang nội dung, hẳn mọi người sẽ nhìn ra những đường liên kết tưởng chừng mơ hồ nhưng dễ cảm nhận giữa các bài viết. Dường như chúng ở đó, được xếp cạnh nhau, với những điểm tương đồng về nội dung và chủ đề. Đó là lý do vì sao mọi người cần đọc “Phần mềm nguồn mở: Trên đường bảo vệ dữ liệu cá nhân” – Lê Trung Nghĩa; “Chính sách ‘sandbox’: Cần tìm một hướng đi khác” – Nguyễn Quang Đồng; “Turning Red: Phim hoạt hình hiếm hoi về kinh nguyệt” – Phạm Vĩnh Anh; “Hoạt hình chỉ dành cho trẻ con? – Thùy Cốm; “The Worst Person in The World – Ta có thể nào hạnh phúc được không?”- Hiền Trang; “Một nan đề của vũ trụ học”; “Nghiên cứu về các hạt “ma”: Cuộc tìm kiếm về nguồn gốc loài người”…
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
BBT

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)