Đón đọc Tia Sáng số Tết năm 2024

Trong không gian của mùa mới, năm mới, chúng ta không chỉ thưởng ngoạn cảm giác đón nhận cái mới mà còn cả dành lại cho bản thân một chút tĩnh lặng để suy nghĩ cùng những chia sẻ về thời cuộc trong số Tết của Tia Sáng.

Bởi lẽ, sự bất định của thế giới ngày hôm nay đang đòi hỏi chúng ta một lối tư duy mới, một cách tiếp cận mới để có thể có những dự đoán, những kế hoạch cho chính mình ở ngày mai. Đặt những thách thức riêng có của một xã hội đang chuyển đổi như đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, quá tải y tế, xu hướng già hóa, bất bình đẳng, đứt gãy truyền thống – hiện đại bên cạnh những thách thức của thời cuộc như biến đổi khí hậu, nguy cơ AI cướp việc…, chúng ta thấy nổi lên vấn đề: Phải chăng vốn con người là quan trọng để giúp chúng ta vượt qua những thách thức đó. Và đó cũng là khoản đầu tư quan trọng nhất mà chúng ta có thể bắt tay vào ngay từ lúc này?

May mắn là thế giới chúng ta sống không tuân theo quy tắc của thế giới lượng tử nên dự đoán và chuẩn bị của chúng ta thực sự khả thi, nhất là khi tất cả những điều đó được hình thành từ nguồn lực con người.

Đó là lý do GS Pierre Darriulat đã mở màn bài viết “Đàn ông, đàn bà và những đứa trẻ” bằng nhận định “Những người đàn ông, những người đàn bà và những đứa trẻ tạo nên sức mạnh của một quốc gia”. Sức mạnh từ nguồn lực con người sẽ là “một tài sản không thể lãng phí hay chia rẽ, bất chấp có rất nhiều nguy cơ dẫn đến điều đó, như chảy máu chất xám, khi một quốc gia thất bại trong việc kết nối với những đứa trẻ và vô trách nhiệm đẩy chúng về phía bên kia hàng rào, hay như sự thiên vị một nhóm người, hiện tượng con ông cháu cha…”

Nhưng để nguồn nhân lực trở thành tài sản quốc gia, chúng ta phải làm gì? Trước tiên ở mỗi gia đình “động viên con thể hiện bản thân tự do với tinh thần sáng tạo, đổi mới và mạo hiểm; dạy chúng biết phản biện và xây dựng quan điểm riêng của mình; cần trao cho con sự tự tin vào năng lực và hoài bão trong ước mơ của mình; trân trọng tri thức trước khi coi trọng tiền bạc, trân trọng sự thông tuệ trước khi coi trọng quyền lực”.

Ở cấp độ xã hội, nhà trường thì câu chuyện giáo dục con người của chúng ta vẫn còn đi theo lối rập khuôn, ‘vâng lời” bởi “tư duy giáo dục cũng giống như những lối mòn, không dễ thay đổi, nhất là khi giáo dục gia đình, trường học và xã hội có sự đồng điệu về lối nghĩ và thực hành”. “Nghĩ về giáo dục vâng lời”, GS Nguyễn Văn Chính cho rằng, cách dạy thầy đọc trò chép “sẽ là thảm họa của giáo dục trong thời đại thông tin và hội nhập, vì chúng ta không mong tạo ra những con vẹt hay người máy bị giật dây làm theo lệnh của bàn phím mà là những con người biết suy nghĩ độc lập và sáng tạo, không bị ràng buộc hay sợ sệt thế lực hắc ám nào”.

Đó là những thách thức buộc chúng ta phải vượt qua khi đầu tư vào nguồn lực con người. Không dễ để làm được điều này nhưng các giải pháp từ “Đổi mới giáo dục trong một thế giới hiện đại” (GS Neal Koblitz), “Trí tuệ cho cuộc sống” (GS Nguyễn Tiến Dũng), “Sống cùng AI” (GS Trương Nguyện Thành và chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Trương), “Hai hướng đi trong VUCA” (GS Hồ Tú Bảo)… là những gợi ý cho một nền giáo dục mới thay cho giáo dục “vâng lời”.

Giữa cái trầm lắng ngẫm ngợi của mỗi cá nhân, cái bàng bạc miên man của xã hội giao thời và cái bao la khôn cùng của trời đất, chúng ta cảm thấy “cao lớn cùng với núi bởi chúng ta được cộng thêm trí tưởng tượng tuyệt vời của mình. Khi con người nhắm mắt, giữa hai hốc mắt nó sẽ có khoảng nhập nhoàng các sắc màu. Cái nhập nhoàng ấy là sự hỗn độn thần diệu của khoảnh khắc trước lúc thế giới hình thành” (Nguyễn Bình Phương, “Núi của ta”).

Chúng ta sẽ có những khoảnh khắc chiêm nghiệm đẹp đẽ ấy của riêng mình, trong mùa xuân mới, với hơn 60 trang nội dung đầy đặn, trải dài từ phạm vi của những vấn đề xã hội, khoa học đến giáo dục, văn hóa “Singularity: Sự thay đổi ở tầm hệ chuẩn” (TS. Nguyễn Sĩ Dũng”, “PGS. TS Nguyễn Trần Thuật: Trên biên giới mới của chip ảnh nhiệt” (Thanh Nhàn), “2024: Dự đoán 10 xu hướng khoa học” (Phương Anh dịch), “Để có sự lựa chọn đúng?” (Lê Thị Lý), “Dịch thuật và nghiên cứu KHXH&NV: Sự lựa chọn mới ?” (TS Nguyễn Thị Từ Huy); “Robot hay sự tái sinh của Michelangelo?” (Cao Hồng Chiến dịch), “Nơi chốn của nghệ thuật chèo truyền thống” (Vũ Hiệp), “Tin Xuân” (Thái Kim Lan); “Trông người lại nghĩ…” (Lê Thiết Cương”; “Tranh Rồng” (Lê Thiết Cương), “Những khu rừng của Naomi Kawase” (Hiền Trang); “Leonard Bernstein: Một biểu tượng văn hóa” (Ngọc Tú)

Giữa những khoảnh khắc ấy, chúng ta chợt hiểu ra là “Đời cũng giống như lái một cái xe đạp. Để giữ cân bằng, bạn phải chuyển động” (Albert Einstein).

Hãy chuyển động về phía trước và hãy mang Tia Sáng trong hành trang của mình.

BBT Tia Sáng

———————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)