ĐSBCL: Chiến lược thích ứng có phù hợp với thay đổi môi trường và khí hậu tương lai không?
Mặc dù các chính sách được thiết kế để giải quyết căn nguyên những thay đổi về môi trường và khí hậu ở quy mô địa phương và cả đồng bằng nhưng các nhà nghiên cứu nhận ra, vẫn tồn tại sự khác biệt giữa chiến lược quốc gia và góc nhìn khoa học trong các kế hoạch thích ứng.

Là một trong ba đồng bằng có diện tích lớn nhất toàn cầu, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quy mô vùng và toàn cầu. Vựa lúa, vựa trái cây và hải sản này đang phải chịu những tác động ngày một rõ nét của biến đổi khí hậu và môi trường, ví dụ như nhiệt độ gia tăng, lượng mưa thay đổi, xâm nhập mặn, hạn hán… Việc phải hứng chịu tác động của con người, ví dụ như việc xây các đập thủy điện thượng nguồn, khai thác nước ngầm, khai thác cát quá mức… cũng làm trầm trọng thêm những tác động của tự nhiên và môi trường.
Những thay đổi có xu hướng ngày một gia tăng này mới chỉ được phát hiện một cách có hệ thống trong thời gian gần đây trong khi vẫn có độ trễ giữa việc chuyển đổi hiểu biết khoa học thành chính sách. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã đánh giá xem các kế hoạch/chiến lược thích ứng với khí hậu có giải quyết được một cách hiệu quả những căn nguyên gốc rễ của áp lực khí hậu, môi trường cũng như những giải pháp tiềm năng cho ĐBSCL trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ĐBSCL đang đứng trước ngã ba đường phát triển trong khi phải đối mặt với thách thức khí hậu và môi trường ngày một lớn lên, có thể làm hình thành những nguy cơ rủi ro cho cả đồng bằng. Trong bối cảnh này, cần có các chính sách phù hợp để thiết kế các kế hoạch thích ứng giải quyết được tận gốc rễ những thay đổi khi có thể thực hiện và ở quy mô không gian phù hợp (quy mô địa phương, quy mô đồng bằng) một cách có hệ thống, và dựa trên những tầm nhìn, dữ liệu và kết quả nghiên cứu có cập nhật.
Khi phân tích 19 chính sách và văn bản do chuyên gia biên soạn, họ phát hiện ra là từ năm 2021, kế hoạch phát triển ĐBSCL đã được điều chỉnh theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tập trung phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp dựa vào tự nhiên. Sau đó đã chuyển hướng các kế hoạch tích hợp và nhiều bên với cam kết phát triển lấy con người làm trung tâm, cân bằng phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Dĩ nhiên, các nhà khoa học cho rằng, các chính sách và kế hoạch phát triển đã dựa trên nhiều hiểu biết khoa học về biến đổi khí hậu và môi trường mới nổi ở ĐBSCL khi các chính sách đã đề cập đến các áp lực thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt. Tuy vậy, các chính sách này cũng chưa bao quát được một số yếu tố khác mà theo thời gian có thể sẽ trầm trọng hơn như nước biển dâng, sự khắc nghiệt của nhiệt độ, thiếu trầm tích… Điều này làm nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết kết hợp dữ liệu khoa học vào các khuôn khổ chính sách hiệu quả hơn.
Để có được những chính sách dựa trên bằng chứng khoa học, các nhà khoa học cho rằng, các nhà quản lý không chỉ biết đến sự tồn tại của các vấn đề môi trường, khí hậu mà còn phải hiểu các cơ chế và hạn chế có thể gặp phải trong quá trình tích hợp những tiến bộ khoa học với quá trình hoạch định chính sách cũng như quy tụ được sự tham gia của các bên liên quan.
Các nhà khoa học còn nhận thấy, có hai vấn đề, đó là phần nhiều các kế hoạch thích ứng mới nhằm giải quyết hậu quả của những thay đổi về khí hậu/môi trường tại địa phương nhưng nguyên nhân gốc rễ do con người gây ra lại nằm ngoài địa phương; mới ban hành chính sách quản lý nhưng chưa có nhiều giải pháp thỏa đáng để cải thiện tình hình, ví dụ như khai thác nước ngầm, khai thác cát. Việc bỏ qua những áp lực môi trường có khả năng tồn tại này không chỉ dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội thích ứng và giảm thiểu trong quá trình phát triển đồng bằng hiện tại mà còn gây nguy hiểm cho tính bền vững lâu dài của đồng bằng.
Kết quả được nêu chi tiết trong bài báo “How consistent are adaptation strategies with ongoing climatic and environmental changes in the Vietnamese Mekong Delta: A systematic review”, xuất bản trên Environmental Science & Policy.□
Bài đăng Tia Sáng số 11/2025