Facebook gây căng thẳng và mất ngủ

Facebook là ‘chiếc cầu nối’ trung gian giữa căng thẳng và rối loạn giấc ngủ. Công bố mới “Facebook addiction partially mediated the association between stress symptoms and sleep disturbance among Facebook users” trên tạp chí International Journal of Mental Health and Addiction đã góp phần chứng thực điều này. 


Nguồn ảnh: Financial Times.

Theo thống kê vào tháng 6 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng xã hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam gần 76 triệu người. Mặc dù có rất nhiều người cho rằng nghiện Facebook có thể gây căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, song cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào ở Việt Nam khẳng định chắc chắn điều đó.

Với mong muốn kiểm chứng liệu nghiện Facebook có thực sự là ‘thủ phạm’ gây ra rối loạn giấc ngủ và căng thẳng hay không, ThS. Hồ Thị Trúc Quỳnh (Đại học Sư phạm, Đại học Huế) đã khảo sát 354 người dùng Facebook làm việc tại các cơ quan hành chính ở miền Trung Việt Nam. 45.2% người tham gia khảo sát cho biết bị căng thẳng, 33.6% người nằm trong nhóm có nguy cơ nghiện Facebook, 68.1% bị mất ngủ với tần suất ít hơn một lần/tuần, 22.6% mất ngủ một đến hai lần/tuần và 1.4% mất ngủ ít nhất ba lần/tuần. 

Từ kết quả trên, ThS Hồ Thị Trúc Quỳnh nhận thấy căng thẳng có tác động đến rối loạn giấc ngủ, và việc nghiện Facebook có tác động trung gian đến mối liên hệ giữa hai tình trạng này. Cụ thể, tác giả cho rằng: Thứ nhất, những người có mức độ căng thẳng cao thường có xu hướng tìm đến Facebook để giải tỏa cảm xúc và tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội. Do vậy, họ có nguy cơ nghiện Facebook cao hơn. Thứ hai, việc sử dụng Facebook quá thường xuyên còn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ do ánh sáng từ các thiết bị có thể tác động tiêu cực đến nhịp sinh học. Ngoài ra, khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, người dùng có xu hướng bị kích thích về nhận thức, cảm xúc hoặc sinh lý, do đó gây ra rối loạn giấc ngủ. 

Bên cạnh việc cung cấp một gợi ý nhằm giải đáp tác động tiêu cực của Facebook lên các vấn đề về sức khỏe của người dùng, nghiên cứu của ThS. Hồ Thị Trúc Quỳnh đã góp phần bổ sung dữ liệu vào một khoảng trống nghiên cứu mà trước nay vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Theo tác giả, các trường học và các tổ chức xã hội nên nâng cao nhận thức về chứng nghiện Facebook và mặt tối của Facebook nói chung. Có thể thực hiện điều này bằng cách phát động các chiến dịch để giúp những người tham gia hiểu được tác động tiêu cực của việc nghiện Facebook. 

 

Tác giả