Ghi chú về nghệ thuật
Tâm trí tôi như một vùng đồi núi hoang vắng rộng rãi nhưng cũng chật hẹp vì không có cơ cấu hạ tầng của xã hội hiện đại. Sự học hành của tôi không cho phép mở những con đường lớn vào khoa học. Tuy vậy tôi cũng đã lần mò ở mọi ngõ ngách của các lĩnh vực và các ngành khoa học qua những cuốn sách dày, mỏng, Đông, Tây, cứ ngẫu nhiên rơi xuống tay mình.
Chỉ hơn một trăm chín chục trang mà Ghi chú về nghệ thuật này cần cho những người dạy học vì kiểu sách giáo khoa về nghệ thuật, trong đó có hội họa, rất hiếm. Nó cũng cần thiết đối với học trò vì học gì đi chăng nữa, nhất là học nghệ thuật thì chính là tự học. |
Không phải theo tinh thần “Trong các quý ông, quý bà, chỉ có một người hiểu tôi, song người đó lại hiểu lầm tôi”, lại càng không có cái kiên nhẫn của trái núi đá: Trân trân nhìn hai con bọ gậy bò trong một cái lọ thủy tinh trong suốt một tuần lễ để thấy chúng chết đi trong chốc lát mà cái lọ nhung nhúc những sinh vật nhỏ bé kia. Cũng không thể làm như một con côn trùng bò ra cái mép lá nhân loại để nhìn ngắm cái vô cùng của vũ trụ.
Thế giới hiện đại thì đầy ắp các nhà lý luận và các nhà văn hóa vĩ đại. Họ mọc ra nhanh và đồ sộ như các tòa nhà cao tầng ở các đô thị. Tiếc rằng đô thị đó quá giống nhau. Tôi cũng không dám làm việc xếp những pho sách của mình đọc thành một bậc thang dài để với tới họ, xây nhà như họ.
Tuy nhiên tôi trình bày những “Ghi chú về nghệ thuật” để khỏi quên đi mất. Tôi nhặt nhạnh những hòn cuội đẹp trong các thung lũng, các triền đồi, các bờ suối của núi rừng tri thức mà tôi đã đi qua với rất nhiều mơ ước và ham thích- xếp chúng thành một món.
Sự nghi ngờ là điều tôi hy vọng ở bạn đọc của tôi.