Giải trình về cơ chế tài chính cho KH&CN: Lỗi thời và yếu kém
Ngày 22/9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có phiên nghe giải trình từ các bộ: KH&CN, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về “Cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH, công nghệ”.
Cơ chế tài chính lỗi thời
Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính và huy động nguồn lực cho KH&CN; đánh giá về việc thực thi chính sách và trách nhiệm của các Bộ trong việc phân bổ, sử dụng và kiểm soát thực hiện các khoản chi cũng như hiệu quả đầu tư cho KH&CN.
Tổng kết 10 năm qua, nước ta đã xây dựng rất nhiều văn bản chính sách nhưng vẫn chưa đầy đủ, cơ chế tài chính cho KH&CN còn nhiều bất cập. Việc thực hiện hai thông tư liên tịch 93/2006/TTLT-BKHCN-BTC Hướng dẫn chế độ khoán kinh phí đề tài, dự án KH&CN và thông tư liên tịch 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN Về cơ chế phân bổ, xây dựng dự toán đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã bộc lộ một số bất cập như: chưa tính đầy đủ một số khoản chi phí cho lương cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý, chi phí giám sát, dự phòng; các định mức để xây dựng dự toán chưa linh hoạt, không gắn với giá cả thị trường; định mức đã lỗi thời sau nhiều năm lạm phát.
Ngoài ra, cơ chế chính sách huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN) còn ít và chưa có hiệu quả dẫn tới việc vốn dành cho KH&CN quá ít ỏi. Chi NS dành cho KH&CN của nước ta (chiếm 2% tổng chi NS) không nhỏ so với tỉ lệ ở các nước trong khu vực nhưng bất cập chủ yếu trong việc huy động nguồn lực cho KH&CN ở chỗ nước ta chưa huy động được đầu tư từ các doanh nghiệp. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2008 đã quy định các doanh nghiệp được trích 10% thu nhập trước thuế để tập trung phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhưng chưa có chế tài cũng như cơ chế khuyến khích/ bắt buộc doanh nghiệp phải làm nên chưa huy động được nguồn vốn này.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến một vấn đề được rất nhiều nhà khoa học quan tâm là công tác xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ KH&CN và cơ chế tài chính triển khai thực hiện. Chu trình lập kế hoạch theo năm tài chính như hiện nay mất quá nhiều thời gian khiến nhiều đề tài từ khi đề xuất đến lúc được cấp kinh phí (khoảng một đến một năm rưỡi) đã có phần lỗi thời; nhiều dự toán đã bị trượt giá…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Minh cho rằng Bộ Tài chính luôn sẵn sàng chuyển kinh phí cho các đề tài nhưng vẫn phải có kế hoạch theo đúng cơ chế, quy định hiện hành.
Đầu tư dàn trải
Khi giải trình về trách nhiệm của các Bộ trong việc phân bổ, sử dụng và kiểm tra thực hiện chi NSNN cho KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết Bộ KH&CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội về 2% tổng chi NS cho KH&CN nhưng trên thực tế Bộ KH&CN chỉ chủ động quản lý được việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN với kinh phí chiếm 12% tổng chi NS cho KH&CN, thiếu cơ chế để Bộ KH&CN kiểm soát nội dung và hiệu quả đầu tư của 88% NS còn lại do Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cấp cho các Bộ, ngành và địa phương dẫn đến đầu tư dàn trải, thậm chí chi sai mục đích. Mà trong thực tế, nhiều điều phương đã điều chuyển kinh phí cho KH&CN để giải quyết những vấn đề khác.
Để khắc phục những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN mong muốn Quốc hội sớm phê duyệt Luật KH&CN sửa đổi, ủng hộ triển khai thực hiện đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế tổ chức hoạt động KH&CN” (Đề án).
Cơ chế lỗi thời dẫn tới những yếu kém
Trong phần chất vấn của đại biểu dành cho các Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài Chính, những vấn đề được quan tâm nhất xoay quanh: hiệu quả đầu tư của KH&CN cho kinh tế xã hội của đất nước; khả năng áp dụng các đề tài KH&CN vào đời sống; trách nhiệm của quản lý và các nhà KH khi hiệu quả đầu tư chưa cao; tại sao cơ chế tài chính trong KH&CN còn nhiều bất cập và phương hướng giải quyết vấn đề này; hướng đột phá trong KH thời gian tới. Ngoài ra, vấn đề thu hút, đãi ngộ nhân tài cũng tiếp tục được các đại biểu quan tâm.
Trả lời chất vấn về những yếu kém trong hiệu quả đầu tư cho KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân tích: một phần do chưa quan tâm đúng mức đến đặc thù khi xây dựng kế hoạch KH&CN dẫn đến kinh phí rót quá chậm. Có lỗi về cơ chế chính sách chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển. Bên cạnh đó, một phần nào chính các nhà KH có đời sống khó khăn và còn có tính ỷ lại vào Nhà nước.
Về vấn đề ứng dụng nghiên cứu KH, ông cho biết, có một tỉ lệ 20 – 80 trong nghiên cứu KH, tức là chỉ 20% kết quả các đề tài KH được đưa vào ứng dụng và ở nước ta cũng không vượt qua tỉ lệ này, và cũng không thể đòi hỏi các đề tài KH cơ bản đem vào ứng dụng vì dạng này là những nghiên cứu đặt nền móng cho nghiên cứu ứng dụng.
Phải thực sự tin tưởng các nhà khoa học
Về việc thu hút nhân tài, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, trong Đề án đã đề xuất tạo điều kiện cho các nhà KH đầu ngành, tài năng, nhà khoa học trẻ giỏi có điều kiện làm việc tốt nhất, và các nhà quản lý phải thực sự tin tưởng vào các nhà khoa học. Và để các nhà khoa học sống được bằng nghề, Nhà nước phải có cơ chế giao quyền sở hữu các sáng chế cho chủ nhiệm đề tài (hiện nay vẫn thuộc Nhà nước) để nhà khoa học có quyền bán, chuyển giao cho các doanh nghiệp và phân chia lợi nhuận với Nhà nước.
Đột phá trong KH&CN thời gian tới là tập trung và điều chỉnh cơ chế chính sách tài chính. Cơ chế tài chính đang thí điểm cho Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted) cho phép các nhà KH nộp đề xuất và nhận kinh phí ngay không theo năm tài chính là rất phù hợp và nên được nhân rộng. Về đổi mới phương thức thu hút đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần phải thông qua chính sách buộc doanh nghiệp phải tự đầu tư cho nghiên cứu hoặc đóng góp vào quỹ KH&CN địa phương.