Giảm thiểu rủi ro lây lan bệnh truyền nhiễm trên ao nuôi tôm
Các bệnh truyền nhiễm xuất hiện trên các ao nuôi tôm như bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính đang là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Vậy có cách nào giảm thiểu rủi ro cho họ?
Các nhà nghiên cứu Đại học Wageningen, Hà Lan và Đại học Cần Thơ đã thử đi tìm một giải pháp cho bài toán nan giải này. Họ nhận thấy, với ngành tôm châu Á, các bệnh truyền nhiễm là mối đe dọa lớn bậc nhất. 60% mất mát về sản lượng là do các mầm bệnh từ virus và 20% là do mầm bệnh từ vi khuẩn. Trong số các bệnh truyền nhiễm, bệnh đốm trắng (WSD) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) là hai bệnh nghiêm trọng nhất cho các ao nuôi tôm, do virus đốm trắng và chủng virus Vibrio parahaemolyticus gây ra. Tại Việt Nam, khoảng 80% diện tích nuôi bị mắc bệnh đốm trắng và 95% diện tích nuôi mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
ĐBSCL là nơi dẫn đầu ngành tôm Việt Nam, kể cả diện tích nuôi lẫn sản lượng với khoảng 720.000 ha và cho tổng sản lượng 745.000 tấn mỗi năm (số liệu năm 2018). Trong lĩnh vực này, 80% là các nông hộ nhỏ. Bất chấp việc nguồn sống phụ thuộc vào tôm nhưng họ phải chịu vô số rủi ro mang tính hệ thống do bệnh truyền nhiễm, khi mầm bệnh nảy nở sinh sôi ở cấp độ hệ thống, lan tràn từ ao nọ sang ao kia hoặc do chung nguồn nước. Năm 2015, các cơn bùng phát bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở ĐBSCL đã làm thiệt hại lần lượt 55,58 triệu USD và 97,96 triệu USD. Bản chất của rủi ro mang tính hệ thống này ảnh hưởng đến những giải pháp chia sẻ rủi ro như các chương trình bảo hiểm hoặc chia sẻ thông qua thỏa thuận trong chuỗi cung ứng tôm.
Thông thường, để quản lý rủi ro liên quan đến hai loại bệnh này, những hộ nuôi tôm thường áp dụng các chiến lược ngăn ngừa ở khâu chuẩn bị ao và khâu nuôi với một số biện pháp an toàn sinh học, làm sạch ao, sử dụng giống tốt, kiểm soát chất lượng giống, giám sát tình trạng tôm… Tuy vậy, họ vẫn bị giới hạn nguồn lực để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt sau một cơn bùng phát bệnh đốm trắng hay phát hiện muộn bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Các nhà nghiên cứu đã dựa vào số liệu công khai để xây dựng các trường hợp về chiến lược tự quản lý ở một hộ nuôi tôm và trường hợp có sự hợp tác giữa các hộ về sự đồng bộ hóa trong phản ứng, chia sẻ thông tin và kết hợp giải pháp. Kết quả mô hình hóa mô phỏng ngẫu nhiên cho thấy, các trường hợp hợp tác hứa hẹn làm giảm nguy cơ rủi ro mang tính hệ thống của cả hai bệnh ở hệ thống ao nuôi mở. Sự kết nối không gian xã hội giữa các hộ làm tăng khả năng hợp tác, do đó dẫn đến sự đồng bộ hóa tốt hơn trong thực hành các biện pháp giải thiểu rủi ro và chia sẻ thông tin. Các tương tác xã hội giữa các hộ, nhóm hộ đã góp phần thay đổi thực hành, qua đó hình thành các chiến lược ứng phó “từ dưới lên” một cách hiệu quả hơn so với các chiến lược “từ trên xuống” trong quản lý nguy cơ dịch bệnh, vốn đã mang tính hệ thống từ bản chất.
Các chuyên gia được mời tham gia dự án cũng có nhiều nhận xét về hai dạng trường hợp này, hầu hết đều tán đồng với trường hợp hợp tác để giảm thiểu rủi ro. Tuy việc lây lan dịch bệnh còn phụ thuộc vào độc lực của virus nhưng họ đều cho rằng các dạng thực hành trong trường hợp hợp tác sẽ có nhiều hiệu quả về lâu dài, góp phần giảm thiểu bản chất lây truyền có hệ thống ở các khu nuôi mở. Thêm vào đó, họ mong đợi cách tiếp cận này sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong toàn ngành và có thể trong quá trình áp dụng, các nông hộ sẽ thêm cải thiện các thực hành này.
Dẫu còn cần phải có thêm nghiên cứu về các trường hợp hợp tác nhưng nghiên cứu này đã đem lại một cách tiếp cận cơ bản về hình thức hợp tác trong tương lai ở quy mô hộ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các kịch bản đó sẽ có thể đem lại gợi ý cho các bên trong chuỗi giá trị ngành tôm như ngân hàng, công ty bảo hiểm, bán lẻ, nhà sản xuất… thiết kế các giải pháp chia sẻ rủi ro với các nông hộ, giúp họ quản lý rủi ro của nuôi tôm.
Kết quả được nêu trong bài “Can cooperation reduce yield risks associated with infectious diseases in shrimp aquaculture in Vietnam?”, xuất bản trên tạp chí Aquaculture Economics & Management.