Giới khoa học yêu cầu công bố dữ liệu phóng xạ

Các nhà khoa học đang đề nghị công bố kho dữ liệu về thảm họa tại Nhật được thu thập bởi mạng lưới 63 trạm giám sát phóng xạ của Nuclear-Test-Ban Treaty Organization, vốn mới chỉ được chia sẻ giữa các chính phủ trên thế giới, nhưng không được chia sẻ với giới khoa học và công chúng.

Không lâu sau khi đợt sóng thần tràn vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngày 11/03/2011, một trạm giám sát tự động phía ngoài Takasaki, Nhật, đã phát hiện thấy tăng mức phóng xạ. Trong vòng 72 tiếng sau, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu không khí và gửi kết quả tới Vienna, Áo – nơi đặt trụ sở ban Preparatory Commission của tổ chức Nuclear-Test-Ban Treaty Organization (CTBTO), một cơ quan quốc tế được thành lập để giám sát các thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Đó chỉ mới là khởi đầu cho dòng chảy ồ ạt các dữ liệu về thảm họa tại Nhật được thu thập bởi mạng lưới 63 trạm giám sát phóng xạ của CTBTO. Trong các tuần tiếp theo, các dữ liệu được chia sẻ giữa các chính phủ trên Thế giới, nhưng không được chia sẻ với giới khoa học và công chúng. Nay các nhà khoa học thay mặt cho các chính phủ làm việc với CTBTO đang đề nghị công bố kho dữ liệu, một mặt để tạo cơ hội nghiên cứu cho các nhà khoa học khác, mặt khác giúp tăng hiệu quả làm việc của cả mạng lưới. 
 

“Điều tôi mong muốn theo đuổi là làm sao đưa được kho dữ liệu này tới tay cộng đồng khoa học”, tuyên bố từ Wolfgang Weiss, trưởng khoa phòng vệ và y tế phóng xạ, thuộc Phòng Bảo vệ Phóng xạ Liên Bang tại Munich, Đức. Trong các tuần và tháng sắp tới, ông hi vọng sẽ thuyết phục được các quốc gia thành viên phụ trách CTBTO nhất trí với các quy định mới về chia sẻ dữ liệu với các tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu khoa học.

Tổ chức CTBTO được thành lập vào năm 1996 với mục tiêu nhằm tăng cường ngăn chặn các vụ thử hạt nhân. Hiệp ước này nay chưa chính thức, nhưng tổ chức đã thành lập nên một hệ thống toàn cầu nhằm xác minh các vụ thử hạt nhân, đo lường địa chấn, dữ liệu hydro-acoustic, dữ liệu infrasound, cũng như mức phóng xạ. Vào các năm 2006 và 2009, tổ chức này xác nhận 2 vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, sủ dụng dữ liệu hỗn hợp về  dư chấn và đồng vị phóng xạ từ các trạm theo dõi.  

Trong cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay, hệ thống mạng lưới nhạy cảm này cũng phát hiện thấy lượng đồng vị phóng xạ rất lớn thoát ra từ các lò phản ứng bị hư hại của nhà máy Fukushima Daiichi. Các trạm giám sát thu được những đồng vị như iodine-131 hay caesium-137, vốn gây lo ngại cho các nhà chức trách y tế ở các nước khác. Những đồng vị phóng xạ khác như niobium-95 và rubidium-103 là các dấu hiệu trước đấy cho thấy đã có nóng chảy trong ít nhất một lò phản ứng.

Vẫn chưa được công khai

Tổ chức CTBTO chỉ chia sẻ dữ liệu với các tổ chức khoa học được các nước thành viên chỉ định, nhưng không được chia sẻ với các nhà khoa học khác hoặc công chúng. Một số nước thành viên, ví dụ như Áo, sau đó có công bố kết quả phân tích dựa trên kho dữ liệu này, nhưng các nước khác thì không.

Trong một cuộc họp diễn ra từ ngày 8-10/06/2011, các nhà khoa học làm việc cho CTBTO đã đành một ít thời gian để đánh giá lại hiệu quả của mạng lưới. Các trạm quan trắc đã theo dõi được mức phóng xạ gây ra bởi vụ tai nạn, các mô hình khí quyển cũng đạt kết quả tốt; nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa giải đáp được. Ví dụ, vì sao phóng xạ lan xuống Nam Bán cầu nhanh như vậy? Tỉ lệ đồng vị xenon khác thường là do người ta chưa hiểu hết về hoạt động các lò phản ứng, hay vì các thiết bị lò không đúng với chuẩn mực? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp mạng lưới theo dõi được tốt hơn các vụ thử vũ khí hạt nhân. “Có những điều chưa được hiểu hết, và [kho dữ liệu] cần được chia sẻ với giới khoa học”, Weiss nói với các nhà khoa học trong cuộc họp hôm 9/06. 

Bản thân hệ thống mạng lưới quan trắc cũng gây thu hút cho các nhà khoa học, nhận xét từ Gavin Schmidt, nhà xây dựng mô hình khí hậu của Viện Nghiên cứu Không gian Goddard thuộc NASA. Các nhà khoa học khí tượng thường sử dụng những đồng vị tuổi thọ thấp của các nguyên tố như beryllium để nghiên cứu việc hòa trộn các tầng khí quyển. Các mảnh rác phóng xạ thoát ra từ Fukushima có thể giúp các nhà khí tượng xây dựng mô hình mô tả không khí lưu chuyển gần bề mặt Trái đất. “Rõ ràng sự chia sẻ này có tiềm năng hữu ích”, Schmidt nói. “Luôn có những vấn đề khoa học thú vị mà bản thân những người thiết kế mạng lưới quan trắc cũng chưa tính đến”.

Đây không phải là lần đầu nảy sinh yêu cầu chia sẻ dữ liệu từ mạng lưới  CTBTO. Sau khi trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương làm chết hàng trăm nghìn người, các nước thành viên đã quyết định hòa nhập dữ liệu địa chấn từ mạng lưới của CTBTO sang hệ thống cảnh báo sóng thần toàn khu vực. Khủng hoảng hạt nhân Fukushima có thể sẽ thúc đẩy một động thái tương tự, giúp chia sẻ dữ liệu đồng vị phóng xạ rộng rãi hơn, nhận định từ Lassina Zerbo, giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc tế của CTBTO. Nhưng dù sao thì người quyết định cuối cùng vẫn là các nước thành viên, những đối tượng nuôi sống cả mạng lưới. “Chúng tôi làm theo những gì các nước thành viên yêu cầu”, ông nói.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)