Giới thiệu công nghệ lò phản ứng hạt nhân của Nga

Ngày 22/10, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga Rosatom tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ lò phản ứng hạt nhân VVER phiên bản AES-92 và phiên bản AES-2006.

Hoạt động này nhằm chuẩn bị cho việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và đánh giá, lựa chọn công nghệ khả thi đảm bảo tính hiện đại, an toàn và hiệu quả kinh tế cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Công ty Atomenergoproekt (AEP) – đơn vị thiết kế nhiều nhà máy điện hạt nhân ở Nga và Châu Âu – giới thiệu hai phiên bản của công nghệ lò phản ứng hạt nhân VVER gồm AES-92 và AES – 2006.

Theo đó, phiên bản AES 92, có các hệ thống an toàn giúp tăng sự kháng cự đối với tác động của phóng xạ. Phiên bản AES – 2006 là sự phát triển tiếp theo của phiên bản AES – 92, có một số chỉ tiêu kinh tế cao hơn và hệ thống an toàn của nhà máy được tối ưu hóa. Phiên bản AES – 2006 có diện tích sử dụng đất trên mỗi MW ít hơn phiên bản trước, nhưng hiệu suất cao hơn, và tuổi thọ nhà máy là 60 năm, trong khi phiên bản cũ là 40 năm.

Ông Yuri Ivanov, Phó Chủ tịch Tổng Công ty Atomstroyexport, Tổng thầu của các dự án này cho biết, phiên bản AES – 92 đã xây dựng xong ở Ấn Độ và đang trong giai đoạn chạy thử. Phiên bản AES – 2006 đang thực hiện xây dựng ở nước Nga. Những phiên bản thiết kế của Nga đảm bảo tất cả tiêu chuẩn hiện đại đang có. Mỗi phiên bản có đặc điểm kỹ thuật riêng nên xây nhà máy có độ an toàn phù hợp. Những phiên bản của Nga an toàn và hiện đại phù hợp với với mức đòi hỏi của quốc tế.

Hiện nay, liên danh tư vấn đang lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Theo kế hoạch đến cuối năm nay, sẽ hoàn thành hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét và tiến hành các thủ tục phê duyệt.

Những thông tin mà phía đối tác Nga cung cấp sẽ giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về các phiên bản của công nghệ lò phản ứng hạt nhân VVER. Từ đó, sớm định hướng lựa chọn công nghệ phù hợp cho Dự  án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, chuẩn bị cho giai đoạn thiết kế kỹ thuật và các công trình phụ trợ phục vụ cho quá trình thi công dự án.

Tại hội thảo, đại diện Bộ KH&CN cũng như Bộ Công Thương khẳng định việc lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo yêu cầu của Quốc hội đặt ra là an toàn, hiện đại và hiệu quả.

Đánh giá cao hoạt động giới thiệu các công nghệ ứng dụng cho nhà máy điện hạt nhân của Rosatom, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cho biết, trên cơ sở các tính năng, những chỉ tiêu về an toàn, an ninh hiệu quả của công nghệ được giới thiệu tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam sẽ nghiên cứu để lựa chọn được công nghệ thích hợp nhất đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đặt ra.

Tham tán Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam Sergey Tanakov khẳng định: Nga sẵn sàng hỗ trợ thiết kế và cung cấp đầy đủ công nghệ sử dụng cho Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận 1 hiện đại và đảm bảo an toàn. Tới đây, tại chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Nga Putin vào tháng 11/2013, hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga trong lĩnh vực năng lượng nói chung và điện hạt nhân nói riêng sẽ được đàm phán chi tiết.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án quan trọng quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy và tạo đà phát triển cho nền khoa học công nghệ và nền công nghiệp phụ trợ của quốc gia. Dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 25/9/2009. Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác với Chính phủ Liên bang Nga để xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và ký thỏa thuận với Nhật Bản để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Tác giả