Giới thiệu công nghệ và cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Israel

Ngày 20/7, tại Hà Nội, Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường KH&CN thuộc Bộ KH&CN, Phòng kinh tế và Thương mại thuộc Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Giới thiệu công nghệ và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Israel”.

Đại diện một số đơn vị của Israel đã giới thiệu về tình hình sáng tạo và đổi mới công nghệ của Israel; các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong lĩnh vực cao su, nhựa, ứng dụng cho các ngành bao gói sản phẩm thực phẩm, công nghiệp, xây dựng, y tế, đồng thời trao đổi các cơ hội hợp tác kinh doanh, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.

Israel hiện được biết đến là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển,… và những đột phá về công nghệ cao, công nghệ hiện đại. Ngành công nghiệp nhựa và cao su của Israel là một trong những ngành phát triển mạnh với kỹ thuật tiên tiến vượt trội, được ứng dụng nhiều trong các ngành: nông nghiệp (đặc biệt là thủy lợi), xây dựng, y tế,… Ngành công nghiệp này đã tạo dựng tên tuổi của mình dựa trên kỹ thuật sản xuất tiên tiến, công nghệ tinh xảo. Doanh thu của ngành nhựa và cao su trong 2 năm 2010 – 2011 tăng tới 15% và đạt 5 tỷ USD.

Các sản phẩm nhựa chủ yếu là các sản phẩm dành cho nông nghiệp (chiếm 23%) như thiết bị phục vụ tưới nhỏ giọt, bộ lọc, van, đồng hồ đo lưu lượng, các loại ống dẫn, màng phủ đặc biệt chống tia UV dành cho nhà kính, màng phủ dễ phân hủy dùng để bảo vệ mùa màng và môi trường,… Ngoài ra, còn có các sản phẩm nhựa dùng cho bao gói, vật tư tiêu hao y tế, sản phẩm cho xây dựng và cơ sở hạ tầng, sản phẩm composit dùng cho hàng không và quốc phòng, sản phẩm gia dụng,…

Các công nghệ hiện đại đang được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp của Israel gồm: công nghệ tưới nhỏ giọt giúp đạt được 70-80% hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp- tỷ lệ cao nhất trên thế giới so với 40% nước tưới tiêu thông thường; công nghệ nhà kính- công nghệ sử dụng màng phủ nhựa hấp thụ ánh sáng cùng hệ thống kết cấu làm nóng và thông gió giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với trồng ngoài trời; hệ thống sử dụng nước khép kín trong nuôi trồng thủy sản giúp tăng khả năng sản xuất gấp 40 lần, sản lượng tăng từ 0,5 kg đến trên 20kg/m3 so với nuôi ở ao/ hồ thông thường;…

Tại hội thảo, phía Việt Nam cũng giới thiệu những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN nhằm đẩy mạnh đổi mới và phát triển công nghệ. Theo đó, thời gian qua, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chương trình quan trọng như: Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình Hỗ trợ tài sản trí tuệ; Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao;… Đồng thời hình thành các Quỹ KH&CN như Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Đổi mới KH&CN Quốc gia góp phần đa dạng hóa các kênh đầu tư, tạo cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội được tiếp cận với các nguồn tài chính của Chính phủ khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

– Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel đã được thiết lập từ những năm 1993. Đến nay, nhiều hoạt động hợp tác về KH&CN, kinh tế, thương mại, đào tạo, nông nghiêp, thủy lợi, y tế,… đã được triển khai;

– Phòng Kinh tế và Thương mại thuộc Đại sứ quán Israel tại Việt Nam được thành lập và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước;

– Chính phủ Israel và Chính phủ Việt Nam đã ký Nghị định thư tài chính Israel – Việt Nam. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ Israel đã được hỗ trợ về tài chính;

– Năm 2009, xuất khẩu từ Israel sang Việt Nam đạt xấp xỉ 109,6 triệu USD, tăng 40.36% so với năm 2008;

– Tháng 11/2011, Tổng thống Israel, ông Shimon Peres đã sang thăm Việt Nam nhằm củng cố quan hệ thương mại giữa hai nước.

Tác giả