Giữ vững tiêu chí công bố quốc tế

Nhằm nâng cao chất lượng công bố, Quỹ Nafostedf và các hội đồng chuyên ngành và liên ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV nhiệm kỳ 2016 – 2018 của Quỹ vẫn quyết tâm giữ tiêu chí phải có công bố quốc tế từ các đề tài do Quỹ tài trợ. Thông tin đó được đưa ra trong phiên họp ra mắt bảy Hội đồng khoa học ngành, liên ngành của Quỹ Nafosted vào chiều ngày 9/7 tại Hà Nội.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chúc mừng các hội đồng ngành và liên ngành nhiệm kỳ mới

Trong phiên họp ra mắt, ông Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ Nafosted cho biết, 7 hội đồng khoa học ngành và liên ngành nhiệm kỳ 2016-2018 bao gồm: Triết học, chính trị học, xã hội học; Kinh tế học; Luật học ; Sử học, Khảo cổ học; Tâm lý học, giáo dục học; Văn học, ngôn ngữ học;  Văn hóa học, nghiên cứu nghệ thuật, thông tin đại chúng và truyền thông. Việc Quỹ mời các nhà nghiên cứu vào các hội đồng chuyên ngành đều dựa trên những tiêu chí quan trọng: danh sách các nhà khoa học từng tham gia các Hội đồng chuyên ngành nhiệm kỳ trước, kết quả đề cử những thành viên mới và bỏ phiếu tín nhiệm của các nhà khoa học này, đồng thời có xét thêm yếu tố về chuyên môn, đơn vị công tác, tuổi tác…

Đề cập đến tiêu chí phải có công bố quốc tế đối với các đề tài do Quỹ tài trợ kể từ năm 2016, GS. TS Phạm Quang Minh (trường ĐH XH&VN, ĐHQGHN), thành viên Hội đồng ngành Triết học, Chính trị học, Xã hội học, nhấn mạnh, đây là yêu cầu hợp lý để nâng cao chất lượng công bố của Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV. Tuy là nét mới trong quy định của Quỹ đối với các đề tài thuộc lĩnh vực KHXH&NV và có thể nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn bỡ ngỡ nhưng “dù khó cũng phải làm”. Hiện nay các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn còn có khoảng cách về phương pháp nghiên cứu so với đồng nghiệp thế giới, vì vậy để thu hẹp khoảng cách này, các nhà nghiên cứu cần phải hướng ra quốc tế với công bố chất lượng cao để có thể xuất bản công trình trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Hiện trên thế giới có khoảng 17.000 tạp chí được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận, các nhà nghiên cứu Việt Nam, đặc biệt là các nhà nghiên cứu có đề tài do Quỹ tài trợ, nên tiếp cận các tạp chí này. Tuy thừa nhận đây là một việc làm khó, vì ngay trường đại học KHXH&NV mỗi năm chỉ có từ 4 đến 5 công bố quốc tế chất lượng cao nhưng ông Minh khẳng định, cần phải phấn đấu đạt bằng được yêu cầu này. Một trong những giải pháp để tháo gỡ khó khăn là các hội đồng ngành không nên phân biệt tuổi tác nhà nghiên cứu khi phê duyệt đề xuất mà nên căn cứ vào tính khả thi của đề xuất cũng như năng lực của họ.

Cũng trong phiên họp này, Quỹ Nafosted đã báo cáo về việc tiếp nhận và kiểm tra điều kiện hồ sơ đề nghị tài trợ trong lĩnh vực KHXH&VN đợt năm 2016. Quỹ đã nhận được 67 hồ sơ đề xuất, trong đó có 30 hồ sơ đủ điều kiện. Theo giải thích của Quỹ, số hồ sơ không đủ điều kiện là do chưa đạt tiêu chuẩn về học hàm học vị của chủ nhiệm đề tài, thành tích khoa học (tối thiểu 1 bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus hoặc danh mục tạp chí do Quỹ quy định), đối chiếu kết quả nghiệm thu đề tài trước (nếu có). Trong đợt xét duyệt đầu tiên này, ngành kinh tế học nhận được số hồ sơ đề xuất nhiều nhất với con số 28, tiếp theo là liên ngành Tâm lý – giáo dục học 11 hồ sơ. Riêng ngành Văn hóa học, nghiên cứu nghệ thuật, thông tin đại chúng và truyền thông không có hồ sơ nào đăng ký.

Ngay sau phiên họp ra mắt, các hội đồng chuyên ngành đã bước vào phiên họp đầu tiên nhằm tiến hành rà soát hồ sơ và phân công phản biện. 

63 nhà nghiên cứu đã được Quỹ Nafoted lựa chọn vào 7 hội đồng: Hội đồng liên ngành Triết học, chính trị học, xã hội học (chủ tịch hội đồng: GS. TS Lê Hữu Nghĩa, Học viện Chính trị quốc gia HCM); Hội đồng ngành kinh tế học (chủ tịch hội đồng: GS. TS Đỗ Hoài Nam, Viện Hàn lâm KHXHVN); hội đồng ngành Luật học (chủ tịch hội đồng: GS. TS Đào Trí Úc, ĐHQGHN); hội đồng liên ngành Sử học, khảo cổ học (chủ tịch hội đồng: GS. TS Phan Huy Lê); hội đồng liên ngành Tâm lý học, giáo dục học (chủ tịch: GS. TS Vũ Dũng, Viện Hàn lâm KHXHVN); hội đồng liên ngành Văn học, ngôn ngữ học (chủ tịch: PGS. TS Phan Trọng Thường, Viện Hàn lâm KHXHVN); hội đồng liên ngành Văn hóa học, nghiên cứu nghệ thuật, thông tin đại chúng và truyền thông (chủ tịch: GS. TS Nguyễn Xuân Kính, Viện Hàn lâm KHXHVN).

Tác giả