Góc nhìn mới về cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi

Cuộc đời Hàm Nghi (1877 - 1944), hoàng đế trẻ tuổi, 14 tuổi khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp, còn nhiều điều chưa được biết đến. Chính quyền Pháp hồi đó và các nhà nghiên cứu lịch sử sau này thường quan tâm tới hình tượng mang tính chính trị của Hàm Nghi hơn là con người nghệ thuật của ông.


Vua Hàm Nghi ở Alger. Nguồn: TS Amadine Dabat. 

Trong cuộc tọa đàm “Hoàng đế bị lưu đày, nghệ sĩ tại Alger”, tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày 11/2, TS. Amandine Dabat, người đầu tiên và duy nhất khôi phục chân dung cuộc đời của ông ở nơi lưu đày đã đề cập tới khía cạnh còn ít được biết đến này. 

Là tù nhân chính trị bị lưu đày tại Alger vào năm 1889, Hàm Nghi có một khoản trợ cấp tốt để học tiếng Pháp và hội họa. Ông kết bạn với Auguste Rodin và Judith Gautier, giữ liên hệ với giới nghệ sĩ và trí thức thời bấy giờ. Tác phẩm của ông – những bức tranh phong cảnh theo trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng, cũng như các bức tượng điêu khắc – không chỉ cho thấy dấu ấn giao thoa của nhiều văn hóa mà còn còn khiến ông là nghệ sĩ người Việt tiếp cận với mỹ thuật Hiện đại sớm nhất, khác biệt với những nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo ở nhà trường thuộc địa (Trường Mỹ thuật Đông Dương, 1924) theo trường phái Lãng mạn. Nhưng “trong cuộc đời nghệ sĩ thì ông chỉ làm 3 triển lãm, và phần lớn tác phẩm được ông tặng lại cho bạn bè và người thân của mình”, TS Amadine nói.

Hàm Nghi cũng chưa bao giờ từ bỏ mối liên hệ của mình với cố hương. Ông vẫn giữ lối để tóc và cài áo truyền thống, từng cố dạy cho con cái học tiếng Việt hay xây dựng cho mình một biệt thự mà ông đặt tên là “Gia Long” với nhiều họa tiết kết hợp phong cách phương Tây, Ả rập và An Nam. Ông cũng duy trì liên hệ với họ hàng và nhiều sinh viên Việt Nam học tập tại Alger khi đó, trong đó có Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm.

Tuy vậy, “Hàm Nghi rất ý thức được về vai trò chính trị của ông bởi mọi hoạt động và trao đổi của ông với bên ngoài đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống mật thám của Pháp và báo chí”, TS. Dabat nói. Các tài liệu lưu trữ cho thấy đây là một cuộc đấu tranh mà Hàm Nghi liên tục phải đối mặt: “Chính quyền thuộc địa Pháp [nhất là tại chính quốc và Đông Dương] đã chủ yếu tập trung vào vai trò chính trị của ông mà bỏ qua vai trò của ông như là một nghệ sĩ ở Alger”. 

Bất chấp việc nhà cầm quyền Đông Dương nhiều lần tìm cách thuyết phục việc gia tăng kiểm soát với ông, ông tự bảo vệ mình bằng việc hòa nhập thành công vào tầng lớp thượng lưu tại Alger. Trong mọi trao đổi còn ghi lại, với bạn bè, người thân hay cá nhân, ông luôn từ chối bình luận về chính trị. Kể cả khi ông vượt qua được cản trở của chính quyền Pháp để liên hệ với trong nước, Hàm Nghi cũng chưa bao giờ tìm cách lợi dụng để liên hệ với phong trào kháng chiến, điều theo TS. Dabat: “chứng minh cho thái độ phi chính trị mà ông tiếp thu và duy trì trong suốt cuộc đời mình.” 

Với luận án tiến sĩ của mình tại ĐH Sorbone, TS. Amandine Dabat, người chắt 5 đời của nhà vua, là người đầu tiên khôi phục lại chân dung Hàm Nghi. Cô sử dụng nhiều nguồn tư liệu lưu trữ và thư từ cá nhân của ông với gia đình và bạn bè. Cô cũng đã lập một danh mục các tác phẩm nghệ thuật được Hàm Nghi sáng tác nay chỉ còn lại trong các bộ sưu tập của nhiều cá nhân và tổ chức. “Cuộc đời Hàm Nghi không chứng minh cho huyền thoại về một vị vua cả đời mang tư tưởng chống Pháp như vẫn được các nhà sử học hình dung”, cô nhận xét, mà thay vào đó, các quan điểm trước nay đã coi nhẹ khía cạnh con người nghệ thuật mà ông tự xây dựng trong thời gian ở Alger. 

Vì vậy, có lẽ nên tách bạch cuộc đời Hàm Nghi với hình tượng về Hàm Nghi, TS. Dabat nhận định. Điều này sẽ giúp cho các nghiên cứu trong tương lai về phong trào Cần Vương có thể tập trung hơn vào vai trò của các thủ lĩnh như Tôn Thất Thuyết hay mở đường cho những nghiên cứu mới về trao đổi văn hóa sớm và mạng lưới xã hội của người Việt hải ngoại thời kỳ thuộc địa.

Tác giả

(Visited 13 times, 2 visits today)