Hình ảnh người Việt đầu thế kỷ 20
Nếu không có lần tái bản này, chắc chắn sẽ rất ít người có cơ hội tiếp cận cuốn sách quý của Henri Oger về người Việt Nam đầu thế kỷ 20, vì trong lần ra mắt đầu tiên cách đây đúng 100 năm, cuốn sách chỉ được in 60 bản, giờ nằm tản mát ở thư viện nhiều nước trên thế giới.
Những hình vẽ có một không hai
Đó là vào những năm 1908 – 1909, khi Henri Oger cùng một họa sĩ người Việt đi khắp các phố phường Hà Nội và vùng lân cận để ghi chép và vẽ lại các công cụ, đồ nghề và thao tác của người thợ thủ công. Rất nhiều nghề, trong đó có những nghề nay đã mai một hoặc không còn, đều được “chụp” lại bằng những nét vẽ mộc mạc nhưng chính xác và có sức gợi hình mạnh mẽ. Có thể kể ra đây hàng loạt bức tranh sinh động như: Xưởng làm đồ sơn, Bật bông và ép bông, Người mù xay bột gạo, Thợ thêu chép mẫu, Tô vẽ hình trang trí lọng…
Cũng trong hành trình này, có lẽ do quá hứng thú và tò mò về một nền văn hoá khác, Henri Oger đồng thời cho vẽ lại hết sức tỉ mỉ nhiều ứng xử và hành vi đời thường của người dân, từ mang con bỏ chợ, thả bè trôi sông, động tác của đàn bà cãi nhau, người An Nam đi du lịch đến ngoáy tai bằng lông gà, quạt mát bằng vạt áo, đẻ rơi ngoài đường, đám phụ nữ chờ việc trên phố, trộm tháo cánh cửa, chải lược để xuống sữa… Phần này được chia thành nhiều mảng, trong đó các mảng Phép thuật và bói toán, Các phép trị liệu dân gian, Tết và lễ, Trò chơi và đồ chơi, Đời sống ngoài phố, Nghề bán rong được đặc biệt quan tâm. Chính sự toàn diện trong việc thu thập dữ liệu đã làm nên nét độc đáo cho công trình của Henri Oger so với những nguồn tranh, ảnh, tư liệu cùng thời khác.
Năm 1909, tác phẩm “Giới thiệu tổng quát kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger được xuất bản, gồm hai tập – tập Bài viết và tập Bản vẽ, trong đó tập Bản vẽ gồm 700 trang với 4.200 hình in trên giấy dó khổ lớn bằng phương pháp in mộc bản (phương pháp in tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống). Giúp việc cho Oger có khoảng 30 thợ vẽ và thợ khắc, hầu hết không có danh tính, mà Oger ca ngợi là trung thực và có ý thức.
Nếu nội dung tập Bài viết khá sơ sài, cảm tính và không có nhiều giá trị về mặt khoa học, thì tập Bản vẽ, với tính thẩm mĩ cao đã khiến bộ tư liệu của Henri Oger trở thành một cuốn sách nghệ thuật thật sự và về mặt lịch sử, là một thư tịch quý về kỹ thuật, phong tục và đời sống của người Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20.
Nhà nghiên cứu đơn độc
Henri Oger sinh tại Pháp năm 1885. Sau khi đỗ tú tài chuyên ban tiếng Latinh, Hy Lạp và Triết học năm 1905. Ông tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Hà Nội từ năm 1907 đến 1909, khi Bắc Kỳ trở thành xứ Bảo hộ mới được 20 năm.
Ông đã khởi xướng nhiều đề án nghiên cứu, trong đó Nghiên cứu về kỹ thuật của người An Nam mà ông tiến hành khi mới 23 tuổi là đề án quan trọng và hoàn chỉnh nhất của ông. Nghiên cứu này về thực chất là bộ sưu tập hình vẽ một cách có chủ ý, vì theo ông “trí nhớ hình ảnh thường rất dai dẳng ở đa số mọi người”, trong khi “đọc bài trình bày về các công cụ hay động tác” là công việc quá vất vả.
Năm 1911, Oger trở lại Đông Dương lần thứ hai, công tác tại Vinh. Do quá chú tâm vào các công trình nghiên cứu, đôi khi ông lơ là việc quản lý hành chính. Năm 1914, bị coi là một công chức vô dụng, ông được cho hồi hương, nhưng với lý do sức khoẻ kém.
Năm 1916, đến Bắc Kỳ lần thứ ba, ông làm phó quản lý tỉnh Quảng Yên. Chuyến đi này kết thúc sau ba năm và ông trở về Pháp năm 1919, cũng với lý do sức khoẻ sa sút.
Sau đó, Oger sống một vài năm ở Tây Ban Nha và mất tích năm 1936. Ông đã lấy vợ nhưng không rõ ngày cưới và không có con.
Bắc Kỳ những năm đầu thế kỷ 20 trong con mắt Henri Oger là nơi đất chật người đông, cuộc đấu tranh sinh tồn rất dữ dội. Ông viết: “Cảnh lũ lụt, sản vật ít, công việc nhà nông cực kỳ vất vả, người phụ nữ phải đầu tắt mặt tối suốt ngày, đã gây ra một hiện tượng kỳ lạ ở đây: các ngành nghề và ngành thương mại đã phân chia, tản mát thành vô số tiểu nghề và nghề buôn bán nhỏ. Có thể nói rằng, ở Hà Nội, mỗi loại thực phẩm, mỗi loại hoa quả đều có người bán riêng. Vả lại chúng ta hãy nhớ rằng ở các thành phố An Nam, những người kiếm sống trên đường phố rất đông”.
Chính vì người dân nghèo (“Người An Nam sống trong một xã hội nghèo và bế tắc, không có nhiều của cải, vì thế sự nghèo túng buộc họ phải giảm tối đa nhu cầu của mình. Trên thực tế, dân An Nam tiêu hoang”), “chưa bao giờ có thị hiếu về cái đẹp”, “chỉ quen mua hàng rẻ”, “ít đòi hỏi cao”, nên hàng làm ra bán cho họ thường bị làm nhanh, làm ẩu. Thợ thủ công An Nam cũng bị nhận xét là kỹ thuật sơ sài, không được giảng dạy đầy đủ về nghề nghiệp. Với một số nghề đòi hỏi hiểu biết về hội hoạ, chẳng hạn như nghề khắc gỗ, thợ An Nam tỏ ra chỉ là người thực hành mà thiếu sáng tạo, “không có chút sinh khí nào”, “không có những phẩm chất đã khiến cho người thợ ở châu Âu trở thành nghệ sĩ”.
Tuy nhiên, theo hai tác giả chủ biên cuốn sách người Pháp, những nhận xét này không hề mang sắc thái khinh thường thái quá mà chỉ đơn giản là vì Oger sống trong thời đại của mình, tin vào tính ưu việt của mô hình văn minh tư sản phương Tây so với các xã hội xa lạ và tin vào sứ mệnh khai hoá văn minh của nước Pháp.