Hội thảo “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc”

Hội thảo về “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc” do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trung Quốc phối hợp tổ chức diễn ra ngày 27/9 tại Hà Nội. Tại Hội thảo, chuyên gia của hai nước đã chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ.

Ông Hạ Đông Bình, Phó Giám đốc thường trực, Trung tâm giao dịch công nghệ Thượng Hải nói: “Không được xem việc xây dựng thị trường công nghệ như một thị trường thông thường khác, do nó chỉ tập trung vào một lớp người nhất định, không thể thực hiện giao dịch qua mạng như tất cả các sản phẩm khác, và bản thân người làm môi giới thị trường công nghệ rất khó phát huy vai trò của mình.”

Theo nhận định của ông Đỗ Văn Trung thuộc ĐH Khoa học công nghệ điện tử Quế Lâm: Kể từ sau đại chiến thứ 2, các quốc gia phát triển như Âu, Mỹ, Nhật đều có chiến lược phát triển quốc gia dựa vào khoa học công nghệ, và đều chú trọng vai trò của các tổ chức công nghệ trung gian-“bà mối” giữa bên cung và bên cầu công nghệ để rút ngắn thời gian trong quá trình tìm công nghệ phù hợp. Ông cũng cho biết, từ năm 2005, chính phủ Trung Quốc có chính sách đầu tư mạnh hơn cho hoạt động chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đồng thời hỗ trợ tài chính, thuế cho các tổ chức công nghệ trung gian.

Vấn đề sở hữu trí tuệ cũng được đặt ra trong hội thảo như một yêu cầu thiết yếu trong quá trình chuyển giao công nghệ. Theo ông Lê Duy Thiện, Giám đốc TT Hỗ trợ và Tư vấn, Cục sở hữu trí tuệ, từ năm 2003 đến tháng 3 năm nay, chỉ có tổng số 61 Viện, trường ĐH của VN được cấp bằng sáng chế. Thời điểm hiện tại chỉ có 30 bằng sáng chế có hiệu lực, hầu hết đều không áp dụng được, không duy trì được hiệu lực ngay từ năm đầu tiên. Trong khi đó, Việt Nam đang gặp vấn đề với việc tiếp nhận các công nghệ đã lỗi thời. Một số quốc gia chỉ muốn đưa hàng hóa vào thị trường của ta mà không muốn chuyển giao hết công nghệ.

Cũng cùng trăn trở, bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin giao dịch công nghệ, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia chia sẻ: “Nhiều nhóm nghiên cứu của ta chuyển hết từ đề tài này sang đề tài khác, mà áp dụng đề tài vào thực tiễn thì không có bao nhiêu. Các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp vẫn chưa nhiều”. Còn về việc ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp, bà Vân nhận xét, “Nhiều nơi có tiền, nhưng lại không có khả năng tiếp nhận công nghệ hoặc không vượt qua được các thủ tục; có nơi được đồng ý về mặt chủ trương nhưng không thể xoay được vốn.”

Hội thảo cũng đưa ra một số điển hình thành công về hỗ trợ của trung tâm môi giới công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, cả hai bên đều ghi nhận đây là “một quá trình hết sức gian nan, cần có sự hợp tác chặt chẽ”.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)