Hội thảo về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập
Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đã phối hợp tổ chức hội nghị “Triển khai Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT/BKHCN-BTC-BNV ngày 26/12/2011 của liên Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ”.
Theo đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), TT 36 đã bổ sung 2 một số nội dung chưa được đề cập trong Nghị định 115 như: bổ sung 2 loại hình tổ chức KH&CN vào khoản 3 Điều 4 Nghị định 115 là Tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và Tổ chức KH&CN phục vụ quản lý Nhà nước; bổ sung quy định áp dụng với tổ chức KH&CN công lập thành lập sau ngày 05/10/2005.
Về phương thức cấp kinh phí, theo TT 36, kể từ ngày 01/01/2014, Nhà nước sẽ thay đổi phương thức cấp tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy cho các tổ chức KH&CN công lập. Cụ thể, trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước có tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy. Riêng các tổ chức KH&CN theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 115 đã được Nhà nước bảo đảm tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy theo phương thức khoán nên trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức này sẽ không có khoản tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy.
Về thời hạn xây dựng và phê duyệt Đề án, Thông tư chỉ rõ: tổ chức KH&CN quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 115 trình cơ quan có thẩm quyền trước ngày 30/9/2012; cơ quan có thẩm quyền thẩm định và quyết định phê duyệt Đề án trước ngày 31/12/2012. Tổ chức KH&CN quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 115 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án trước ngày 30/6/2012.Tại Hội nghị, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã giới thiệu về nội dung cũng như kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là chương trình xuất phát từ việc thực hiện Nghị định 115 và Nghị định 80.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và doanh nghiệp KH&CN, đồng thời đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, Nghị định 115, Nghị định 80, Nghị định 96 và các thông tư hướng dẫn triển khai tạo hành lang pháp lý vững chắc giúp các tổ chức KH&CN có cách thức hoạt động và hướng đi phù hợp, được “cởi trói” trong hoạt động của mình. Mục đích của việc triển khai các văn bản này là làm sao để các tổ chức KH&CN hoạt động có hiệu quả nhất. Đó là sợi chỉ xuyên suốt trong tất cả các văn bản.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ các văn bản của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ KH&CN để thực hiện tốt các văn bản này. Bộ KH&CN sẽ chủ động làm việc với các Bộ, ngành có liên quan về những vấn đề còn vướng mắc để có thể hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị hoạt động trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ, trong tổng số 585 tổ chức KH&CN công lập có báo cáo (388 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 197 tổ chức thuộc địa phương) có 228 tổ chức thuộc các bộ, ngành (chiếm 72%) và 39 tổ chức thuộc các địa phương (chiếm 20%) đã được phê duyệt Đề án; còn lại 160 tổ chức thuộc các bộ, ngành (chiếm 28%) và 158 tổ chức thuộc các địa phương (chiếm 80%) đang xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án.