Hợp tác ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong đột biến tạo giống cây trồng

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) sẽ hỗ trợ Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) trang bị công cụ và thiết bị cho phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu đột biến tạo giống cây trồng, cũng như đào tạo nhân lực về nghiên cứu.

Biên bản hợp tác đã được TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN và GS. TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện DTNN, ký kết vào ngày 4/11/2015 vừa qua. 

Kỹ thuật hạt nhân được ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội và những ứng dụng này đang ngày càng phát triển. Đối với nhiều nước trên thế giới ứng dụng kỹ thuật hạt nhân có nghĩa to lớn trong nghiên cứu đột biến tạo giống cây trồng góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Ở Việt Nam, Viện DTNN là một trong những viện nghiên cứu nông nghiệp đã sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu đột biến tạo giống cây trồng và đã đạt được những thành tựu xuất sắc. Giống lúa đột biến DT10 được Viện tạo ra từ năm 1990 đã liên tục phát triển và tạo ra tổng giá trị thu nhập lên đến ba tỷ USD, tăng thêm gần 540 triệu USD so với việc sử dụng các giống lúa cũ. Giống lúa Khang Dân đột biến được gieo trồng hàng năm trên khoảng 1,2 triệu ha, giúp tăng thu nhập 11,4% cho 1,5 triệu nông dân. Bốn giống đậu tương chủ lực do Viện tạo ra là DT84, DT90, DT99 và DT2008 cũng có năng suất cao, khả năng chịu sâu bệnh tốt hiện đã chiếm trên 50% diện tích đậu tương cả nước, tăng thu nhập từ 30-40% cho gần 3,5 triệu nông dân.

Tháng 9/2014, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Phòng thí nghiệm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và nhân dịp tổ chức đại hội đồng lần thứ 58, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã bình chọn và trao giải thưởng cho các nhân, tổ chức của các nước thành viên có thành tựu xuất sắc về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực đột biến tạo giống nhằm phát triển các giống cây trồng. Viện DTNN vinh dự là chủ nhân của một trong năm giải thưởng “thành tựu xuất sắc” mà IAEA trao cho các nước thành viên. Giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” mà IAEA trao tặng Viện DTNN tôn vinh những thành công trong nghiên cứu đột biến tạo giống ở cây lúa và cây đậu tương góp phần bảo đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam. IAEA cũng đánh giá Việt Nam là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào nghiên cứu đột biến tạo giống cây trồng.

Nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp, Viện NLNTVN và các Viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện các hoạt động hợp tác nhằm phát triển các nghiên cứu theo hướng này. Việc mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa Viện NLNTVN và Viện DTNN sẽ góp phần tăng cường hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp, đặc biệt trong đột biến chiếu xạ chọn giống.


 
GS. TS Lê Huy Hàm (phải) giới thiệu cơ sở nghiên cứu tạo giống cây trồng của Viện Di truyền nông nghiệp với TS. Trần Chí Thành.

Tại buổi làm việc, Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đã được ký kết. Theo đó, Viện NLNTVN sẽ hỗ trợ Viện DTNN trang bị công cụ và thiết bị cho phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu đột biến tạo giống cây trồng, giúp Viện DTNN đào tạo nhân lực về nghiên cứu, bảo đảm an toàn bức xạ, thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về ứng dụng đồng vị phóng xạ, công nghệ bức xạ phục vụ hoạt động nghiên cứu của Viện. Viện NLNTVN cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho Viện DTNN sử dụng thiết bị tại Viện NLNTVN để thực hiện các hoạt động nghiên cứu triển khai.

Trước mắt, Trung tâm đánh giá không phá hủy (NDE), đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, sẽ hỗ trợ Viện DTNN nghiên cứu, chế tạo hệ thiết bị chiếu xạ gamma và phòng chiếu xạ gamma (gamma cell và gamma room) để phục vụ hoạt động nghiên cứu của Viện DTNN.

Dự kiến kế hoạch tiếp theo bao gồm việc nghiên cứu sử dụng bức xạ gamma kết hợp với những tác nhân khác để cải tạo giống cây trồng; sử dụng đồng vị đánh dấu nghiên cứu quá trình xói mòi, rửa trôi phân bón, các quá trình dinh dưỡng sinh học; nghiên cứu chiếu xạ một số giống cây trồng (lúa, sắn, mía, …) ở liều kích thích hoặc đột biến để tạo giống có năng suất, chất lượng cao hoặc thích hợp với môi trường khắc nghiệt; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghệ nuôi trồng một số loại nấm có giá trị kinh tế.

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp đã bắt đầu ở Việt Nam từ những năm 1970. Sau năm 1980, Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia sau này là Viện NLNTVN đã tích cực phát triển hoạt động hợp tác với IAEA nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của IAEA thực hiện các hoạt động nghiên cứu theo hướng này. Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt trong nông nghiệp được thực hiện ở một số viện nghiên cứu trực thuộc Viện NLNTVN như Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm hạt nhân TPHCM.

Bên cạnh đó, Viện NLNTVN cũng có hoạt động hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu của Bộ NN*PTNT và góp phần giúp đỡ các viện này thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu với IAEA. Viện DTNN, Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, Viện Lúa ĐBSCL đã có nhiều dự án nghiên cứu về đột biến chọn giống cây trồng với sự giúp đỡ của IAEA. Trên cơ sở các dự án nghiên cứu này, nhiều giống đột biến phóng xạ được tạo ra có năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu các điều kiện môi trường khắc nghiệt như mặn, sâu bệnh.

Nhiều nhà khoa học cho rằng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp ngày càng có ý nghĩa to lớn đối với phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam. Nhà nước cần quan tâm hơn để có những chính sách tăng cường các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp.

Hiện nay, Viện NLNTVN đang tích cực thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp. Với dân số hơn 60% là nông dân, chắc chắn việc phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế đất nước cũng như cải thiện đời sống của nông dân.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)