JOHN DEWEY, giáo dục chính là cuộc sống

(Đọc John Deway, Dân chủ và giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008).

Đối với không ít người, nền giáo dục của nước Mỹ luôn là một hình mẫu đáng được tham khảo. Nền giáo dục đó đã góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên sức mạnh của một siêu cường trong thế giới hiện đại. Muốn hay không, ngay tại nhiều nước có truyền thống giáo dục lâu đời cũng đang phải tham khảo những kinh nghiệm của nước Mỹ trong việc cải tổ hệ thống giáo dục của chính mình. Dự luật cải cách giáo dục đại học đang được tiến hành tại nước Pháp chính là một trong những bằng chứng của điều đó. Điều gì đã làm nên thành công đó? Cuốn sách của John Deway mới được xuất bản gần đây có thể giúp chúng ta sáng tỏ đôi điều.

Những cuốn sách về triết lý giáo dục thường có xu hướng quy về việc nghiên cứu tư tưởng giáo dục cụ thể của một số nhà triết học-giáo dục học. Việc này có thật sự có cơ sở hay không? Ảnh hưởng của cá nhân các nhân vật đó lúc sinh thời, cho dù họ là những vĩ nhân, không phải bao giờ cũng lớn đến mức có thể định hình cả một nền giáo dục. Trong nhiều trường hợp, những ảnh hưởng đó chỉ là sự hư cấu của những thế hệ sau, vốn bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử và suy nghĩ bằng một lô gích khác. 
Câu trả lời của tôi là, không phải tình cờ mà những nhà giáo dục lớn thường cũng là những nhà triết học lớn. Socrates, Platon, Aristotle, Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, Kant là những ví dụ điển hình. Tất cả những con người khổng lồ này đều đứng ở cội nguồn của những nền giáo dục vĩ đại. Lý do thật ra rất đơn giản. Bất kỳ nền giáo dục nào đáng gọi là một nền giáo dục đều phải bắt đầu từ một triết lý giáo dục mà ba câu hỏi quan trọng nhất là: 1. Bản chất con người là gì? 2. Chúng ta muốn con người trở thành như thế nào? 3. Phải làm gì để có con người chúng ta mong muốn? Để trả lời những câu hỏi này, người ta cần đến triết học.
Ảnh hưởng của các nhà triết học lúc sinh thời có thể không lớn, nhưng điều đó không hề làm giảm tính đại diện của họ đối với một truyền thống triết lý, trong đó có triết lý giáo dục. Lý do là những độc giả của các thế hệ sau có thể bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử của thời đại khi các tác phẩm triết học được viết ra, nhưng tác giả của những tác phẩm ấy thì gắn liền với bối cảnh đó. Về bản chất, các nhà tư tưởng cũng là sản phẩm của thời đại họ sống. Vì thế, ngay cả trong trường hợp tác phẩm của họ chưa thật sự được phổ biến lúc sinh thời, nó vẫn phản ánh ít ra là mầm mống của xu hướng, hay một trong những xu hướng, trí tuệ của thời đại.  

Những điều này rất đúng với John Dewey, với Thực dụng luận, trong đó có Công cụ luận (instrumentalism) do Dewey phát triển, và với triết lý giáo dục của ông.
John Dewey (1859-1952), tác giả của cuốn sách “Dân chủ và giáo dục” mà các bạn đang cầm trên tay, cũng là một nhà giáo dục vĩ đại đồng thời là triết gia xuất sắc như vậy. Là một trong ba nhà sáng lập Thực dụng luận1, gia tài tư tưởng triết học và giáo dục đồ sộ của ông bao trùm đời sống trí tuệ của nước Mỹ suốt thế kỷ 20 và ông thực sự trở thành thần tượng của những trí thức Hoa Kỳ lỗi lạc nhất. Richard Rorty tuyên bố: “Triết gia tôi ngưỡng mộ nhất, người tôi được coi mình là học trò nhất, là John Dewey”2. Noam Chomsky, người hồi nhỏ từng theo học rồi về sau dạy học ở một trường theo đường lối của Dewey, cũng thừa nhận thường xuyên trích dẫn John Dewey như một người có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời mình. 
Thực dụng luận, nền triết học đặc biệt Hoa Kỳ, là sản phẩm của một xã hội kỳ lạ. Xã hội ấy được đặc trưng không chỉ bởi tính dân chủ (cho dù khi đó mới chỉ áp dụng với người da trắng), bởi một nền kinh tế tự do chưa từng có trong lịch sử3 với mạng lưới phức tạp của những quan hệ xã hội, và trên hết là bởi một mặc cảm không quá khứ vô tiền khoáng hậu dẫu nền tảng tư tưởng của nó vẫn gắn liền với truyền thống duy lý phương Tây. Chính những đặc điểm này, bằng cách nào đó, đã thúc đẩy Charles Peirce và William James, và sau đó là John Dewey, từ bỏ Siêu hình học và  đề cao sự hữu ích cũng như tính hiệu quả – những ý tưởng chính của Thực dụng luận. Các nhà Thực dụng luận cho rằng tri thức của chúng ta không hề có một nền tảng khách quan tuyệt đối nào, vì thế, thay vì đánh giá tri thức qua sự tương ứng của nó với chân lý khách quan, chúng ta chỉ có thể đánh giá tri thức qua khả năng ứng dụng để lý giải và dự báo thực tại trong những hoàn cảnh cụ thể. Nói theo cách của Công cụ luận, chân lý chỉ là một thứ công cụ để chúng ta giải quyết các vấn đề của thực tại. Khi thực tại thay đổi, các vấn đề cũng thay đổi, các công cụ bắt buộc cũng phải thay đổi theo. Về điểm này, họ chính là những tiền bối của chủ nghĩa Hậu hiện đại.
Thực dụng luận được thể hiện một cách xuất sắc qua triết lý giáo dục của John Dewey với những tác phẩm như “Trường học và xã hội” (The School and Society ,1899), “Cách chúng ta nghĩ” (How We Think, 1910), “Kinh nghiệm và giáo dục” (Experience and Education, 1938), và “Dân chủ và giáo dục” (Democracy and Education, 1916)…, trong đó ông chủ trương một nền giáo dục gắn liền lý thuyết và thực tiễn.
Thật ra, học đi đôi với hành không phải là hoàn toàn mới, nhưng ở John Dewey, nó dựa trên một quan niệm độc đáo. Nếu như trước đây người ta quan niệm giáo dục như là quá trình truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, hoặc là quá trình rửa tội và thanh lọc tâm hồn, hoặc nữa, một quá trình khai sáng nhằm giúp con người tự do sử dụng lý trí, thì với John Dewey, “giáo dục chính là bản thân cuộc sống” (Education is life itself). Dewey lập luận rằng trái với con vật chủ yếu sống bằng những bản năng bẩm sinh, con người sống chủ yếu bằng kinh nghiệm ứng xử với thế giới xung quanh.
Lý thuyết của John Dewey về kinh nghiệm dựa trên hai nguyên lý chính, đó là nguyên lý liên tục (continuity) và nguyên lý tương tác (interaction). Nguyên lý liên tục khẳng định rằng những kinh nghiệm mà con người tích luỹ được trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của người đó, còn nguyên lý tương tác hàm ý rằng tương tác của kinh nghiệm quá khứ với hoàn cảnh hiện tại sẽ tạo ra kinh nghiệm mới, kinh nghiệm trong hiện tại.
Ứng dụng vào giáo dục, lý thuyết của John Dewey hàm ý rằng người thầy không thể không quan tâm đến những kinh nghiệm quá khứ của người học và kinh nghiệm quá khứ ấy cũng không nhất thiết phải là tiêu cực hay tích cực đối với quá trình giáo dục. Người thầy không thể kiểm soát quá khứ của người học, nhưng có thể tổ chức bối cảnh học tập phù hợp để tạo cho người học kinh nghiệm hiện tại thông qua tương tác giữa bối cảnh học tập với kinh nghiệm quá khứ của người học. “Giáo dục – John Dewey viết – là một hoạt động của cuộc sống, chứ không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai”.
Vì giáo dục chính là bản thân cuộc sống, nhà trường không thể tách khỏi hoạt động thực tiễn, và kiến thức không thể được áp đặt từ bên ngoài. Đây chính là cơ sở cho khẩu hiệu “Hãy phá bỏ hàng rào nhà trường” mà mục tiêu là đưa nhà trường hòa nhập với cuộc sống của toàn xã hội.
Vì giáo dục chính là bản thân cuộc sống, không thể có một thứ giáo dục chung cho tất cả mọi người. Người thầy phải ý thức rõ và tôn trọng sự khác biệt giữa các học sinh.
Vì giáo dục chính là bản thân cuộc sống, nó phải là quá trình của người học chứ không phải của người dạy. Giáo dục là quá trình mà người học là trung tâm.
Nói cách khác, giáo dục phải là một quá trình dân chủ sâu sắc./.
—————-
1 Ở Việt Nam, từ lâu từ “Chủ nghĩa thực dụng” đã bị hiểu theo nghĩa hẹp và tiêu cực, vì thế tôi chủ trương dùng từ “Thực dụng luận” để dịch từ “Pragmatism”. (N.T.L)
2 “The philosopher I most admire, and of whom I should most like to think of myself as a disciple, is John Dewey”. Habermas, Rorty and Kolakowski, “Debating the State of Philosophy”, Praeger Publishers, 88 Post Road West, Westport, 1996, tr. 32.
3 Xin đọc thêm bài “Về Hoa Kỳ như một đặc khu kinh tế tự do”, trong “Minh triết của giới hạn”, NXB. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005.


Ngô Tự Lập

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)