Không cần mình phải là một ông thánh
Mới thoạt nhìn Arthur Schopenhauer, giữa con người ông và công trình ông là cả một mâu thuẫn khó hiểu. Đành rằng, người ta có thể bảo rằng, về một phần lớn, cái nhìn bi quan về sự vật của ông phù hợp với nội tâm ông.
Đời ông, đành rằng, chứng tỏ ông không thực thi triết thuyết của ông; nhưng nó cũng chứng tỏ, không kém hiển nhiên rằng, ông hoàn toàn tin tưởng, nhất quyết tin tưởng ở nó. Và bài toán chả có gì là khôn giải.
Trước hết, theo cái nhìn của Schopenhauer, triết lý vốn dĩ chỉ là sự mô tả cái xấu và nguồn gốc nó trên lí thuyết, không phải là phương thuốc chữa xấu. Nó chỉ giúp để khám phá xem cái xấu nằm đâu. Tri thức lí thuyết, dù cho hoàn hảo cách mấy, cũng không đủ để cứu rỗi. Ngay cả nó cũng chẳng là điều kiện cần thiết cho cứu rỗi, vì ta có thể tự cứu rỗi mà chả cần đến nó, thoáng qua bằng nghệ thuật, và hẳn hoi bằng những tôn giáo như Phật giáo. Giả tỉ như có triết lí rồi, cứu rỗi còn đòi hỏi một hành động tự nguyện biệt lập. Nói tóm lại, hành động từ bỏ giả thiết một căn cơ cũng tựa như nghệ sĩ giả thiết phải có thiên tài. Do đó sự khác biệt lớn lao giữa Schopenhauer với Platon, Spinoza, Fighte, và từ năm 1801, Schelling, Hegel… Sự tương phản giữa chủ thuyết với nếp sống của tác giả nó do đó biến mất ngay khi người ta xét đến tính tình con người theo quan điểm trí năng chứ không theo quan điểm đạo đức. Năm 1814, ông viết: “Triết thuyết của tôi phải khác với tất cả các triết thuyết khác ở chỗ nó như không phải là một khoa học, mà là một nghệ thuật”. Triết thuyết này “phát sinh từ một trực giác sống động về bản tính của thế gian”. Và “tất cả các tư tưởng được mô tả trong đó đều được sao lại từ một ấn bản trực giác, vì được phát xuất từ đối tượng, mà không cần biết chúng đưa đến cái gì. Tất cả đường bán kính xuất phát từ ngoại biên đều tập trung về cùng một trung tâm điểm”. Do đó mà có những lời tuyên bố như “tư tưởng duy nhất”, “Thành Thèbes trăm cửa”… Vì chưng triết lí chẳng phải là luân lí, là tôn giáo, mà là công trình nghệ thuật, nên triết gia, cũng như nghệ sĩ, không buộc phải gò mình theo kiểu mẫu mình đã tạo ra: phát giác bản tính của thế gian và bí mật của cứu rỗi chẳng phải là đồng thời vạch hướng cho ý chí, cũng chẳng phải ra chỉ thị cho nó. Triết gia nằm trong tác phẩm của mình cũng như nghệ sĩ nằm trong tác phẩm của họ, bằng cái hăng say, cái xác tín khi đóng vai trò của nhân vật chính mà thiên tài của mình gợi hứng cho mình và mình hiện thân trong vai trò ấy. Vì vậy, thái độ bi quan của ông về con người và sự vật đồng thời cũng diễn đạt cái cảm thức của ông về cái khả năng hơn người của cái thiên tài của mình, và nhờ đó ông thấy mình từ trên nhìn xuống thế gian và các đám người lúc nhúc. Ông là thước đo cho mọi lòng kiêu ngạo và một thiên tài xuất chúng loại lãng mạn. Schopenhauer thường hay nói: “Tôi không phải là ông thánh”. Và lời tuyên bố này chả có gì là tự hạ.
Sự mâu thuẫn giữa nhân cách và tác phẩm do đó được bù đắp bằng sự hòa hợp giữa tác phẩm với đặc tính tri thức của tác giả, với đường nét của thiên tài của ông. Và, đối với Schopenhauer, sự hòa hợp này là điều thiết yếu, vì theo ông, nhân cách tri thức, chứ không phải nhân cách đạo đức, tạo ra con người hơn người. Thật vậy, ông viết: “Đặc tính tri thức quyết định diện mạo của những bậc thiên tài mà tôi xin gọi là những nhà lý thuyết; đặc tính ấy đóng lên họ cái dấu của sự lỗi lạc, nhất là trong đôi mắt và trên trán. Ở các người tầm thường, cái diện lạo lí thuyết ấy chỉ là bóng mờ. Trái lại, diện mạo thực tế, của tâm trạng luân lí hiện diện ở mọi người: nó hiển hiện ở mồm”. Chắc chắn là Schopenhauer không ưa đường nét của miệng mình, nhưng điều thiết yếu là có ở đôi mắt và ở trên trán cái dấu của thiên tài là đủ, và vì thế ông không cần mình phải là một ông thánh.
* “Chết là cái phút giải thoát của bản tính riêng biệt của cá tính, cái bản tính chẳng phải làm cái nhân thâm hậu nhất cho bản thể ta, mà đúng ra phải coi như một sự lạc lõng của bản thể… Vẻ bình thản trên nét mặt của phần lớn những người chết hình như phát xuất từ đó… Nói chung cái chết của mọi người thiện đều thanh thản nhẹ nhàng… Cái kiếp sống mà chúng ta biết, họ vui vẻ từ bỏ: cái mà họ thu hoạch được thay cho đời sống đối với chúng ta chả là gì cả, vì kiếp sống của chúng ta, so với kiếp sống kia chả là gì cả. Phật giáo mệnh danh kiếp sống đó là Niết bàn, nghĩa là tịch diệt…”.
* “Nếu giờ đây, ta nhìn sâu vào cái náo nhiệt của đời sống, ta thấy mọi con người bị giày vò bởi những đau khổ lo âu của kiếp sống này, ra sức thỏa mãn các nhu cầu vô tận… để không mong mỏi gì hơn là bảo tồn cái kiếp sống cá nhân quằn quại trong một thời gian ngắn ngủi. Thế mà giữa cảnh hỗn loạn ấy, ta bắt gặp bốn mắt giao nhau đầy thèm muốn của đôi nhân tình. Nhưng tại sao lại phải nhìn trộm, sợ sệt, lén lút?- Bởi vì đôi tình nhân kia là những kẻ phản bội thầm lén tìm cách lưu tồn tất cả cái khốn khổ mà nếu không có họ thì tất phải chấm dứt; họ muốn ngăn cản không cho chúng dứt; cũng như các kẻ giống họ từng làm trước họ…”.
Siêu hình tình yêu, siêu hình tự chết (rút trong tập Thế giới như là ý chí và biểu tượng) là kiệt tác triết học của Arthur Schopenhauer trong đó triết gia đưa ra một cách vừa hài hước vừa thấm thía buồn đau những suy tưởng sâu xa nhất về bản chất của sự yêu và sự chết của nhân loại.