Không nên đặt câu hỏi “thực dụng” toán học để làm gì

GS Hà Huy Khoái cho rằng, nên tìm tòi vẻ đẹp của toán học thay vì đặt câu hỏi “toán học có ích gì”. Do đó, mấu chốt của việc dạy và học toán không phải ở chỗ đưa ra các đáp án tròn trịa mà phải khuyến khích người học tiếp tục đặt câu hỏi.


Ảnh: GS. Hà Huy Khoái thuyết trình. Dẫn chương trình: TS. Chu Cẩm Thơ (Đại học Sư phạm Hà Nội).

Tại buổi nói chuyện khoa học “Toán học và học toán” vào ngày 23/10 vừa qua, GS Hà Huy Khoái đã trao đổi với khán giả xung quanh hai chủ đề chính: Vai trò của toán học và mục đích, phương pháp học toán.

Ông cho rằng, toán học có mục tiêu giúp con người tìm hiểu và lý giải quy luật của tự nhiên, xã hội giống như các ngành khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội khác. Nhưng số đông chúng ta thường không nhận ra vai trò cần thiết của toán học, những ứng dụng của toán trong đời sống thường ngày, bởi vì dù xuất phát từ thực tiễn nhưng toán học lại giải thích thực tiễn đó thành những quy luật logic một cách trừu tượng và rất tối giản. Vì thế, người ta chỉ quan tâm tới hưởng thành quả của toán học chứ không để ý tới các khía cạnh nguyên lý của nó. Ông lấy ví dụ: “Chẳng hạn như, các thuật toán có ứng dụng ngay vào thiết kế điện thoại di động hay thẻ ATM. Nhưng người sử dụng thường không biết những nguyên lý đằng sau chiếc điện thoại hay ATM đó. Toán học cần thiết và hiện hữu trong cuộc sống như không khí để thở nhưng chúng ta thường không nhìn ra vậy”.

GS. Hà Huy Khoái cũng cho rằng toán học hay các ngành khoa học khác đều có giới hạn trong việc giải thích cấu trúc của thế giới tự nhiên. Ông nói: “Toán học không thể mô tả hết tự nhiên, và các ngành học khác cũng như vậy. Vì thế mới có tôn giáo, vì người ta chừa lại những điều không thể chứng minh được cho Chúa” khi GS. Cao Chi đặt câu hỏi: “Toán học có thể phản ánh hết mọi hiện tượng của thực tại không? Nói cách khác, cấu trúc của toán học có thể rộng lớn hơn thiên nhiên hay không? Hay là cấu trúc của toán học không phản ánh hết các cấu trúc của thiên nhiên?”.

Với quan điểm học toán là phải tìm thấy vẻ đẹp đích thực của ngành toán học, GS. Hà Huy Khoái nhấn mạnh, phải khuyến khích và nuôi dưỡng niềm say mê toán học ở con trẻ khi còn nhỏ thay vì luôn luôn đặt câu hỏi đầy “thực dụng” là học toán để làm gì. Thậm chí, những câu hỏi đó có thể giết chết niềm say mê tìm hiểu khoa học của con người. Để nuôi dưỡng sự học ở mỗi người và toàn xã hội, chúng ta cần đặt mục tiêu khám phá, tìm hiểu vẻ đẹp thật sự của khoa học chứ không thể coi kiến thức là công cụ hay phương tiện.

Vì vậy, khi một số khán giả hỏi giải pháp để dạy và học toán hiệu quả, GS. Hà Huy Khoái giải thích rằng yếu điểm của cách dạy toán hiện nay là người ta hay đưa ra bài toán và đặt yêu cầu tìm một lời giải đúng. “Nhưng lời giải không phải là điều quan trọng nhất, mà người ta cần dạy tư duy để đặt ra câu hỏi”, ông nói. Theo ông, giải pháp phù hợp là “không nên để cho học trò thích thú với câu giải đáp trọn vẹn, mà nên kích thích để học trò tiếp tục đặt câu hỏi thêm”. Lý giải phần nào nguyên nhân dẫn tới chất lượng dạy và học toán ở bậc đại học kém, ông cho rằng, “Nhìn chung ở ta đầu tư của toàn xã hội cho giáo dục (không chỉ là đầu tư của nhà nước) chỉ mới chú trọng ở bậc phổ thông mà lơ là ở bậc đại học. Tổng chi phí học tập cho một đứa trẻ ở bậc tiểu học chắc chắn cao hơn học phí của một sinh viên đại học. Do đó, cần có sự định hướng của nhà nước để khuyến khích đầu tư ở các bậc học cao hơn”.

Buổi nói chuyện về Toán học và học toán của GS Hà Huy Khoái là một trong chuỗi sự kiện sinh hoạt khoa học thường kỳ do Tia Sáng tổ chức.

GS. Hà Huy Khoái nói vui rằng, toán học đôi khi còn dễ hiểu hơn cả thơ ca, vì toán học giải thích bản chất sự vật hiện tượng bằng logic hình thức, còn thơ ca nhiều khi không theo logic thông thường mà khó hiểu, trừu tượng và thậm chí rất nghịch lý. Ông dí dỏm dẫn chứng bằng câu ca dao: “Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng/ Ước gì anh lấy được nàng…” và nhận xét vui rằng “Ước gì anh lấy được nàng” không logic với đoạn mô tả về đám mây ở câu trước, nếu sửa cho đúng logic thì phải sửa thành “Ước gì mây trắng là nàng/ Còn anh là đám mây vàng xung quanh”. Trong những trường hợp này, thơ không theo logic như toán học, mà nó còn trừu tượng hơn toán rất nhiều.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)