Kiến giải của ngôn ngữ chức năng và ngôn ngữ tạo sinh

Buổi thuyết trình của nhà nghiên cứu Trịnh Hữu Tuệ vào ngày 6/8 tại Không gian sáng tạo Trung Nguyên đã cho thấy, ngôn ngữ là một thế giới phức tạp, trong đó "nhiều điều trong ngôn ngữ học không thể giải thích bằng lý thuyết chức năng mà phải nhờ tới cách phân tích cấu trúc của lý thuyết ngữ pháp tạo sinh.


TS. Trịnh Hữu Tuệ phân tích cấu trúc câu: “Is the man who is tall happy?”

Bài thuyết trình có tựa đề “Người đàn ông cao có hạnh phúc không?”, bàn về hai lý thuyết quan trọng trong ngôn ngữ học “Chức năng luận – Ngữ pháp tạo sinh”. Tựa đề “Người đàn ông cao có hạnh phúc không?” là một câu dịch lại từ tiếng Anh “Is The man who is tall happy?”  Ở đây, các nhà ngôn ngữ sẽ đặt ra câu hỏi: khi chuyển từ câu khẳng định sang câu nghi vấn, tại sao người ta lại chuyển từ “is” ở vị trí thứ hai mà không phải chuyển từ “is” ở vị trí thứ nhất? (thứ nhất và thứ hai ở đây được tính từ đầu câu). Đa số mọi người sẽ giải thích rằng, chúng ta làm thế đơn giản vì ngữ pháp quy định như vậy. Nhưng như vậy sẽ nảy sinh câu hỏi sâu hơn “tại sao lại có cấu trúc ngữ pháp đó” và nó có thể tổng quát hơn được không? Giải đáp những câu hỏi này chính là công việc của các nhà ngôn ngữ học.

Các nhà ngữ pháp chức năng sẽ lý giải rằng, từ “is” thứ hai được chuyển lên đầu trong câu nghi vấn bởi nó có chức năng là “tiêu điểm của câu”. Còn các nhà ngữ pháp tạo sinh lại lý giải rằng, nó được chuyển bởi có vị trí “gần” chủ ngữ nhất.

Tiếp theo bàn về “đề-thuyết”, có khán giả ủng hộ cho quan điểm của Cao Xuân Hạo, cho rằng trong tiếng Việt không cần có thao tác “đề hóa” bởi bản thân “đề” luôn có sẵn trong câu. Trịnh Hữu Tuệ phản bác quan điểm này, cho rằng trong tiếng Việt vẫn có những trường hợp đề hóa là cần thiết. Ví dụ, từ “thì” trong câu “trà thì tôi uống trước khi uống cà phê” là một sự đề hóa, mà nếu bỏ đi từ này thì câu sẽ không có nghĩa.

Cuộc trao đổi được mở rộng hơn, lan sang các chủ đề về máy tính và ngôn ngữ học. Làm sao để dạy cho máy tính học ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ? Chúng ta đã có các công cụ google translate, siri… dùng trong dịch thuật, nhưng vì sao chúng chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn? Các thính giả và như diễn giả đã trao đổi với nhau rất thẳng thắn, cởi mở về việc phương pháp thống kê mà Google sử dụng hay công nghệ Sematic web (web ngữ nghĩa)… 

Qua buổi nói chuyện này, diễn giả không có chủ ý bài xích “chức năng luận” hay tuyệt đối hoá “ngữ pháp tạo sinh”, mà quan niệm rằng chúng đều cần thiết được sử dụng giải quyết một số hiện tượng xuất hiện trong ngôn ngữ tự nhiên.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)