Kinh nghiệm của Đức về đánh giá công nghệ

Trong 2 ngày 16 - 17/10, tại Hà Nội, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Vistec) phối hợp với ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của CHLB Đức về quản lý và đánh giá công nghệ cho các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp”.

Hội thảo được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức – DAAD cùng các chuyên gia của CHLB Đức.

Đối với mỗi quốc gia, tri thức mới, kết quả nghiên cứu mới được tạo ra tại các trường đại học, viện nghiên cứu là một động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế thế nhưng một trong những điểm yếu Việt Nam hiện nay là năng lực chuyển giao các kết quả nghiên cứu. Vì vậy, việc học hỏi nước có nền KH&CN phát triển cao như Đức về quản lý và đánh giá công nghệ cho các trường Đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp là điều thực sự cần thiết.

Hội thảo được tổ chức nhằm khai thác các công cụ hữu hiệu giúp các trường đại học và viện nghiên cứu có thể thực hiện các công việc như: xác định và đánh giá tầm quan trọng của các nghiên cứu và các lĩnh vực công nghệ tương lai; xác định hướng nghiên cứu ưu tiên và có thể điều chỉnh chiến lược nghiên cứu của bản thân mỗi tổ chức; xem xét để phát triển các công nghệ mới tiềm năng, có giá trị vật thể và phi vật thể và có tính khả thi, bên cạnh đó, phát triển chiến lược cho việc khai thác các kết quả nghiên cứu; đóng góp cho chính sách KH&CN dựa trên kiến thức chuyên môn về dự báo công nghệ và lộ trình công nghệ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên đề như: Xu thế phát triển công nghệ thế giới đến năm 2020 và hoạt động quản lý chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; Những công nghệ một quốc gia cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội; Quản lý công nghệ thành công trong thương mại; Các phương pháp tiếp cận và các công cụ để đánh giá công nghệ;…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)