Lây truyền liên tỉnh làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Hiểu biết và định lượng được sự lan truyền của bệnh sởi theo không gian và thời gian cũng như khả năng lây truyền trong khi bùng phát thành dịch sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh.

Trẻ em tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguồn: CDC Quảng Ninh.

Đó là mục tiêu của một nhóm nghiên cứu Việt Nam và Bỉ hướng tới. Kết quả được họ công bố trong bài báo “Understanding the transmission dynamics of a large-scale measles outbreak in Southern Vietnam” (Hiểu về động lực lan truyền của một đợt bùng phát bệnh sởi ở quy mô lớn tại miền Nam Việt Nam), xuất bản trên tạp chí International Journal of Infectious Diseases.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính trên cả trẻ em và người lớn, có thể gây thành dịch do chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện… Để tìm hiểu về động lực lan truyền và những yếu tố liên quan, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huyền Trang (Viện Pasteur TP.HCM) và cộng sự đã phân tích dữ liệu giám sát bệnh nhân mắc bệnh sởi theo không gian được thu thập tại các tỉnh miền Nam từ tháng 1/2018 đến 30/6/2020, trong đó có số ca bệnh, tỉ lệ bao phủ vaccine, số dân các tỉnh có dịch.

Qua dữ liệu, có thể thấy đợt bùng phát này có hai đỉnh dịch, và đỉnh dịch thứ hai thuộc nhánh thứ hai (1/2019 đến 30/6/2020) với gần hai năm, kéo dài hơn những lần bùng phát trước trong vùng. Và có rất nhiều nhân tố khác nhau có thể góp phần dẫn đến việc kết thúc dịch. Cũng có ý kiến cho rằng, các biện pháp dùng để chống đại dịch COVID-19, được áp dụng vào cuối tháng 1/2020 (phong tỏa và khoảng cách xã hội) dường như cũng làm chặn đứng sự lan truyền của sởi.

Tuy nhiên, để hiểu rõ về động lực lây truyền của sởi, trước hết là sự lan truyền theo không gian và thời gian, các tác giả đã sử dụng mô hình chuỗi thời gian đa biến bệnh lưu hành – bệnh dịch (the endemic-epidemic multivariate time series model). Đây là cách tiếp cận cho phép họ sử dụng dữ liệu giám sát được thu thập đều đặn và tích hợp với những biến tiềm năng có thể có tác động đáng kể lên sự lan truyền theo không gian – thời gian của dịch. Một đặc điểm quan trọng của mô hình này là có thể phân biệt được các ca bệnh lan truyền trong hoặc ngoài vùng, qua đó giúp họ tính toán được hành xử của bệnh lưu hành và xác định được những can thiệp y tế công cộng trong những vùng cụ thể.

Kết quả cho thấy, các nơi có tỉ lệ tiêm vaccine thấp thường đi kèm với số lượng lớn ca bệnh sởi. Nó cho thấy độ phủ vaccine ở địa phương rất quan trọng cho các vùng có nguy cơ mắc bệnh cao. Ví dụ theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu thì Bình Phước là nơi có tỉ lệ tiêm vaccine sởi năm 2019 thấp nhất trong các địa phương này và cũng là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của bệnh.

Mặt khác, độ phủ của vaccine sởi mũi một cũng là chỉ dấu tốt cho mức độ miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên cũng phải công nhận là mức độ này còn phụ thuộc vào độ tuổi của người tiêm và các đợt bùng phát sẽ vẫn xuất hiện nếu vẫn tồn tại những khoảng trống miễn dịch. Ví dụ vào đợt bùng phát năm 2013-2014, một nghiên cứu cho thấy chỉ 54,9% trẻ em 9 tháng đến 10 tuổi đã tiêm đủ liều trong số tỉ lệ phủ vaccine 82,4% ở TP.HCM. Thêm vào đó, 17,3% số trường hợp trẻ em dưới 9 tháng tuổi đã bị nhiễm bệnh trước khi đủ điều kiện tiêm chủng định kỳ.

Kết quả cũng cho thấy, 36,1% đến 78,8% các ca nhiễm ở 20 địa phương là do nhiễm người từ các tỉnh lân cận tới. Nó cũng phản ánh một vấn đề là mật độ dân số cao cũng là gia tăng nguy cơ rủi ro bệnh tật. TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương là những nơi đông dân nhất khu vực khảo sát và do đó, một lượng lớn ca nhiễm là “nhập khẩu” từ bên ngoài. Việc di chuyển từ quê ra thành phố hoặc ngược lại trong ngắn hạn có thể làm trầm trọng hơn khả năng bùng dịch trong những vùng khác nhau. Rất nhiều bùng phát quy mô nhỏ ở những nơi dân cư bên trong khu công nghiệp, vốn cơ động về dân số, tỉ lệ phủ vaccine thấp. Các dịp nghỉ lễ tết là nhân tố quan trọng làm lây lan dịch.

Vì vậy, nghiên cứu này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tiêm vaccine và sự tương tác theo không gian giữa các nơi chốn, đặc biệt các địa phương cận kề. Việc tăng cường hệ thống giám sát và tiếp tục nghiên cứu sâu thêm là yếu tố quan trọng để hiểu hơn nữa về miễn dịch cộng đồng và kiểm soát bệnh sởi trong tương lai. □

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)