Lưới năng lượng nối liền hai châu lục

Ý tưởng thiết lập một mạng lưới năng lượng nằm ở dưới đáy Địa Trung Hải để chuyển điện mặt trời từ Châu Phi sang Châu Âu đang được một nhóm các nhà công nghiệp châu Âu nghiên cứu tiến hành.




Đầu tháng 7 vừa qua, tại Paris, đại diện hơn một chục tập đoàn năng lượng lớn của Châu Âu đã ký kết một thỏa thuận mang tên Transgreen để tạo lập quan hệ đối tác và xem xét tính khả thi của dự án vận tải năng lượng đầy tham vọng này.

Nhóm Transgreen hy vọng rằng các trang trại điện mặt trời (solar power farms) dự kiến được xây dựng ở xa mạc Sahara sẽ cung cấp khoảng 20 gigawatts điện vào năm 2020 và một phần tư trong số này sẽ được bán sang thị trường Châu Âu.

Để thực hiện được điều này, cần phải xây dựng một hệ thống đường dây cáp ngầm dưới biển, trị giá khoảng 8 tỉ euro (tức khoảng 10 tỉ USD).

Tuy nhiên, vào buổi lễ ký kết đầu tháng 7 vừa rồi, nhóm các tập đoàn năng lượng lớn này mới đồng thuận chi khoảng 2-3 triệu euro để phát triển công nghệ và nghiên cứu tính khả thi của dự án.

“Những con đường cao tốc năng lượng như thế này có tầm quan trọng cực kỳ đặc biệt”, Bộ trưởng Môi trường Pháp, ông Jean-Louis Borloo phát biểu trong lễ ký kết. Hơn thế nữa, việc Châu Âu tham gia dự án sẽ giúp giảm giá thành cho dự án và phát triển ngành năng lượng ở Bắc Phi.

Công ty Điện lực Pháp (EDF) đứng đầu nhóm các tập đoàn này, bên cạnh đó là các tên tuổi khác như Areva, Alstom (Pháp), Abengoa và RED Electrica (Tây Ban Nha) và Siemens (Đức).

Dự kiến, một văn phòng của nhóm tập đoàn sẽ được thành lập và đi vào hoạt động cuối năm nay để điều hành dự án.

Dự án lưới vận chuyển năng lượng Transgreen sẽ được phát triển đồng thời cùng với dự án Desertec, một dự án của Đức nhằm xây dựng một hệ thống khổng lồ các trang trại điện mặt trời và điện gió nằm trải dài từ khu vực Bắc Phi tới Trung Đông để có thể đáp ứng khoảng 15% tổng nhu cầu tiêu thụ điện của Châu Âu. (AP)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)