Mặt bằng thu nhập khối ngành kỹ thuật thấp hơn nhân văn?

Thông thường chúng ta nghĩ ngành kỹ thuật, công nghệ có cơ hội rộng mở, mức lương “khủng”, nhưng một nghiên cứu sử dụng số liệu cuộc Điều tra lao động và việc làm toàn quốc năm 2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy mặt bằng thu nhập của nhóm ngành kỹ thuật/công nghệ, khoa học tự nhiên, kinh doanh/tài chính, nông nghiệp/thú y thấp hơn nhóm ngành nhân văn/nghệ thuật.


Ảnh minh họa: mitc.edu.vn

Kết quả bất ngờ đó được đề cập trong công bố “Sự khác biệt tiền lương theo ngành học đại học: bằng chứng từ các cử nhân đại học ở Việt Nam”, trên tạp chí International Journal of Educational Development1 vào tháng 10 vừa qua của TS Trần Quang Tuyến và TS Vũ Văn Hưởng, Khoa Quốc tế, ĐHQG Hà Nội. Các tác giả sử dụng mô hình phân tích kinh tế lượng để đánh giá sự khác biệt tiền lương theo ngành học đại học, mô hình có kiểm soát các đặc điểm về kinh nghiệm, giới tính, nghề nghiệp, khu vực việc làm, việc làm đúng ngành học và khu vực địa lý. Kết quả cho thấy tiền lương trung bình của nhóm ngành nhân văn/nghệ thuật cao hơn so với nhóm ngành kỹ thuật/công nghệ, khoa học tự nhiên, kinh doanh/tài chính, nông nghiệp/thú y.

Nhóm tiếp tục phân tích thêm sự khác biệt về tiền lương theo ngành học giữa khu vực công-tư và theo giới tính nam-nữ. Kết quả cho thấy, ở khu vực tư ngành nhân văn nghệ thuật có mức lương trung bình cao hơn hầu hết các ngành khoa học tự nhiên/toán và máy tính; kỹ thuật/công nghệ và nông nghiệp. Ở khu vực công, ngành nhân văn nghệ thuật vẫn có mức lương trung bình cao hơn (tuy cách biệt không lớn như ở khu vực tư) một số ngành như kinh doanh/tài chính; báo chí/truyền thông; và nông nghiệp/thú y. Còn phân tích theo giới tính cho thấy sự khác biệt tiền lương theo ngành học rõ hơn ở nhóm nữ, với mức lương trung bình của nhóm ngành nhân văn/nghệ thuật cao hơn đáng kể cho nhóm so với hầu hết các nhóm ngành khác, và chỉ thấp hơn ngành an ninh-quốc phòng. Còn mức lương giữa các ngành học của nhóm nam không có sự khác biệt đáng kể. “Điều này hoàn toàn trái ngược các nước phát triển như Mỹ, Đức, Ý, Ireland và Úc nơi ngành nhân văn/nghệ thuật thường có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với các ngành công nghệ, kỹ thuật nhưng lại tương tự với tình hình ở Trung Quốc”, TS Trần Quang Tuyến nói.

TS Tuyến cho biết, nghiên cứu này đưa ra các hàm ý chính sách quan trọng. Thứ nhất, mức lương trung bình không hấp dẫn, thậm chí là thấp với các ngành học kỹ thuật/công nghệ, khoa học tự nhiên/toán/máy tinh, nông nghiệp/thú ý có thể không khuyến khích người học vào ngành này, dẫn tới hệ quả là có thể thiếu hụt nhân lực kỹ thuật/công nghệ để phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa của đất nước. Vì thế cần có các giải pháp nâng cao tính hấp dẫn với các ngành học này ở cả phía cung và cầu lao động. Phía cung, cần có những đầu tư phù hợp của nhà nước và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học để có nguồn nhân lực kỹ thuật/công nghệ phù hợp hơn với khu vực doanh nghiệp. Về phía cầu, các cải cách kinh tế cần thúc đẩy sự mở rộng các ngành công nghiệp chế tạo và các ngành công nghệ cao, qua đó gia tăng cầu về nhân lực kỹ thuật/công nghệ.

TS Tuyến cho biết thêm, nếu có thêm dữ liệu về thu nhập của các cá nhân trong thời gian dài, thậm chí cả vòng đời thì có thể chỉ ra sự khác biệt tiền lương theo ngành học của cả cuộc đời, từ công việc ban đầu ngay sau khi tốt nghiệp đại học cho tới các công việc tiếp theo. Chẳng hạn, các quan sát ở một số nước phát triển như Mỹ cho thấy chênh lệch tiền lương giữa nhóm ngành nhân văn/nghệ thuật với nhóm ngành kỹ thuật/công nghệ có xu thế thu hẹp dần khi độ tuổi của người lao động tăng lên. Đó là vì ngành như công nghệ/kỹ thuật hay có xu hướng thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đòi hỏi lao động luôn phải cập nhật các kỹ năng mới để thích ứng và dẫn tới bất lợi với người lao động khi độ tuổi tăng lên. Nhưng hiện tại chưa thể quan sát yếu tố này ở Việt Nam.  

Chú thích:
1 Tạp chí xếp hạng Q1 về development theo SCIMAGO.
Toàn văn công bố: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0738059320304302#!

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)