MEKONG CONNECT 2016: Đi thẳng vào các chủ đề nóng

“Tìm cơ trong nguy” là chủ đề của diễn đàn Mekong Connect 2016, vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ hôm 26/10 vừa qua, với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, và hơn 500 doanh nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành nông nghiệp, trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải đối mặt gay gắt với biến đổi khí hậu, các vấn nạn môi trường, và thách thức hội nhập.

Các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài chỉ ra những nguy cơ mà người nông dân phải đối diện. Ảnh: PTL

Trao đổi tại diễn đàn, các chuyên gia trong nước và quốc tế cảnh báo về những nguy cơ, rủi ro trước mắt do tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới những bất ổn mà các doanh nhân và người nông dân phải đối diện, trong khi những vấn đề tồn tại khác nền nông nghiệp trong nước vẫn chưa được cải thiện đáng kể, như tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, đầu tư thấp, năng lực ứng dụng KH&CN hạn chế, năng suất và trình độ lao động không cao… Đánh giá sau sự kiện, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng những nguy cơ từ các vấn đề nội tại của nông nghiệp Việt Nam thậm chí còn đáng lo ngại hơn những tác động khách quan từ bên ngoài như biến đổi khí hậu và thách thức hội nhập.

Một trong những vấn đề nội tại của nông nghiệp Việt Nam được lưu tâm hàng đầu tại diễn đàn là tình trạng phân tán rải rác nguồn cung ứng nông sản, dẫn tới hạn chế trong khả năng truy xuất nguồn gốc và sự thiếu minh bạch chất lượng sản phẩm. Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định thẳng thắn: “nông sản mà không thể truy xuất nguồn gốc thì không thể coi là nông sản sạch”.

Để giải quyết tình trạng nguồn cung manh mún, người nông dân tất yếu cần tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp trong đó cho phép dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Điều đó thường đòi hỏi sự liên kết giữa nông dân và những doanh nghiệp như Trung An của ông Bình, thông qua các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với cá nhân người nông dân, hoặc giữa doanh nghiệp với các tổ hợp tác hay hợp tác xã. Hiện nay, hằng năm Trung An sản xuất được 400 nghìn tấn gạo đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. và tiêu chuẩn lúa hữu cơ.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp như Trung An hiện nay ở Việt Nam còn rất ít. GS. Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng quá trình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không thể diễn ra nhanh chóng, chỉ có thể lan tỏa từ từ dưới sự tự điều tiết của thị trường. Vì vậy, người nông dân trong thời gian trước mắt sẽ vẫn phải tiếp tục duy trì hình thức sản xuất và kinh doanh truyền thống.

Song mô hình sản xuất phân tán của nông dân Việt Nam không hẳn chỉ mang lại sự tiêu cực. Chuyên gia Julien Brun, TGĐ CEL Consulting cho rằng sự phân tán đó giúp giảm bớt rủi ro, ví dụ tránh nguy cơ bệnh dịch gây tổn thất hàng loạt khi canh tác tập trung. Vì vậy, Việt Nam không nhất thiết chỉ tập trung hình thành những cánh đồng canh tác tập trung quy mô lớn, mà nên chú trọng hình thành hệ thống các điểm thu gom nông sản. Ông Brun tin rằng mỗi điểm thu gom đó sau khi hình thành sẽ thu hút các chủ thể tham gia giải quyết các khâu khác nhau (quản lý kho bãi, sơ chế, phân phối…), qua đó tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Ngoài chủ đề xây dựng và tối ưu hóa chuỗi giá trị nông nghiệp, nhiều chủ đề cụ thể nóng hổi khác cũng thu hút sự quan tâm và thảo luận sôi nổi từ giới chuyên gia và các doanh nhân, như ứng dụng các kỹ thuật mới, công nghệ cao và mô hình nông nghiệp thích ứng với tác động ngoại cảnh từ khí hậu và môi trường; những tư duy mới về nông nghiệp sạch – nông nghiệp thông minh; tìm phép giải bài toán nhân lực cho nền kinh tế xanh…

Đặc biệt, một điểm nhấn của diễn đàn năm nay là câu chuyện khởi nghiệp trong nông nghiệp. với sự trao đổi đầy nhiệt tình giữa các nhà đầu tư và các doanh nhân khởi nghiệp, với sự tham gia của nhiều doanh nhân khởi nghiệp làm nông nghiệp, không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà từ cả nhiều địa phương khác trên cả nước. Có thể nói, tinh thần lạc quan, chủ động, và năng động của họ thể hiện qua những ý kiến tâm huyết của họ tại diễn đàn là sự minh họa rõ rệt cho thái độ “tìm cơ trong nguy” của Mekong Connect năm nay.

 

Mekong Connect là một diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân và các đối tượng có mối quan tâm và lợi ích liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long, ra đời từ sáng kiến mạng lưới liên kết 4 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương và sự kết nối, hỗ trợ của CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đồng phối hợp tổ chức.

 

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)