Năm 2016: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đẩy mạnh làm việc nhóm

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho rằng, chủ đề chính trong năm 2016 của Viện là mở rộng phạm vi nghiên cứu, nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu kỹ thuật công nghệ, ứng dụng công nghệ và đào tạo thông qua làm việc nhóm.

Lễ tổng kết công tác hoạt động năm 2015 và phương hướng hoạt động năm 2016  của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã diễn ra ngày 12/12/2015 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Hà Nội.

Tại buổi lễ, TS. Trần Chí Thành đã nhấn mạnh đến những vấn đề quan trọng trong năm 2016 mà Viện cần tập trung nghiên cứu, đó là mở rộng phạm vi nghiên cứu, nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu kỹ thuật công nghệ, ứng dụng công nghệ và đào tạo thông qua làm việc nhóm.

Theo TS. Trần Chí Thành, vấn đề quan trọng hiện nay mà Viện cần tập trung nghiên cứu nhằm phục vụ trực tiếp cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam là đẩy mạnh nghiên cứu về thủy nhiệt. Đây là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân và vẫn còn rất mới mẻ với Việt Nam. Vì vậy, về trước mắt, những nghiên cứu sâu về thủy nhiệt sẽ đem lại những hiểu biết và kiến thức mới cho Việt Nam trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

TS Trần Chí Thành đã lấy ví dụ về Hàn Quốc, một quốc gia có trình độ tiên tiến của châu Á đã làm lại các thí nghiệm của Hoa Kỳ trong lĩnh vực an toàn và thủy nhiệt hạt nhân để học hỏi và lấy kinh nghiệm, sau đó phát triển thêm phần kỹ năng của họ. Đây là một phần cơ sở quan trọng để đưa Hàn Quốc thành quốc gia có tiềm năng khoa học công nghệ hạt nhân như ngày nay.

Về vấn đề đào tạo, TS. Trần Chí Thành khẳng định, nếu làm tốt công tác đào tạo thì Viện sẽ có đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện các nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam cũng như tìm ra những kiến thức mới đóng góp vào sự phát triển của điện hạt nhân thế giới. Việc đào tạo cán bộ trẻ chỉ thực hiện được một cách hiệu quả thông qua công tác nghiên cứu các đề tài khoa học tại các nhóm nghiên cứu. 

Để đem lại hiệu quả trong đào tạo, cần phải có chương trình học bổng đặc biệt dành cho những cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực hạt nhân để thu hút những cán bộ, chuyên gia giỏi phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Vì vậy, Viện kiến nghị Bộ KH&CN ưu tiên cấp kinh phí đào tạo để Viện chủ động trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đội ngũ chuyên gia hạt nhân. Hiện nay, Viện đang cùng các đơn vị trực thuộc gấp rút xây dựng Kế hoạch nghiên cứu KH&CN giai đoạn 2016 -2020 và sẽ trình lên Bộ KH&CN phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Xử lý các chất đồng vị phóng xạ tại Trung tâm Nghiên cứu điều chế Đồng vị, dược chất phóng xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Nguồn: Báo Lâm Đồng

Bên cạnh đó, Viện cũng kiến nghị Bộ KH&CN sớm triển khai Kế hoạch Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm dự án NMĐHN Ninh Thuận 1 và sau đó là dự án NMĐHN Ninh Thuận 2 theo hướng phối hợp thực hiện giữa tư vấn nước ngoài và Viện NLNTVN, để từng bước đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cũng như giảm kinh phí thẩm định.

Để thực hiện nhiệm vụ năm 2016, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đề ra tám nhiệm vụ, chỉ tiêu là: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ năng lượng nguyên tử; Triển khai thực hiện các dự án đầu tư; Triển khai công nghệ, sản xuất và dịch vụ; Hợp tác quốc tế; Thông tin khoa học; Công tác tổ chức và quản lý cán bộ.

Thành tích năm 2015 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

1. Về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng như: Lựa chọn công nghệ cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, nghiên cứu thiết kế cơ sở 2 nhà máy Ninh Thuận 1 và 2; Thiết bị quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường; Tthiết bị chụp cắt lớp điện toán ứng dụng trong công nghiệp dầu khí; thiết bị chụp ảnh phóng xạ kiểm tra đánh giá chất lượng công trình; Nghiên cứu, điều chế các dược chất phóng xạ phục vụ y tế…

Bốn sáng chế về Dược chất phóng xạ (DCPX) 99mTc-NCA90mAb dùng để chụp hình chẩn đoán bệnh viêm tủy xương và nhiễm trùng; DCPX Na2H32PO4 dùng để giảm đau di căn ung thư xương; DCPX 90Y-DOTA-P-BENZYL-NIMOTUZUMAB dùng để điều trị bệnh ung thư đầu cổ; DCPX kháng thể đơn dòng 131I-nimotuzumab dùng trong điều trị ung thư đầu cổ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận hồ sơ.

22/219 công trình được công bố ở các tạp chí quốc tế, 27 báo cáo tại hội nghị quốc tế.

2. Về phát triển nguồn nhân lực: Viện đã kiện toàn hoạt động của Trung tâm Đào tạo, xây dựng Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho Viện (Chương trình NEST), kế hoạch đào tạo chuyên gia, đào tạo cán bộ nghiên cứu đầu đàn theo 16 hướng nghiên cứu ưu tiên, chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ được cử đi đào tạo nước ngoài. Năm 2015 Viện gửi nhiều cán bộ sang LB Nga, Belarus, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ.

4. Hoạt động phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử: Chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế, chính sách đối với chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Việt Nam.

5. Cùng với đối tác Nga (ROSATOM/ASE) hoàn thành báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi (Pre-FS) của dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân, trình phương án lựa chọn địa điểm cho thành phần phía Nam của Trung tâm với lò phản ứng nghiên cứu mới.

6. Doanh thu từ hoạt động triển khai kỹ thuật và dịch vụ đạt trên 130,83 tỷ đồng, trong đó Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Công nghệ xạ hiếm, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ là ba đơn vị có đóng góp lớn nhất.

Tác giả