Ngày 20-3-1995, giáo phái Aum tấn công toàn bộ các tuyến xe điện ngầm quan trọng ở Tokyo bằng hơi độc sarin, khiến cả nước Nhật bàng hoàng, chấn động. Cuốn ký sự - phỏng vấn của Haruki Murakami về sự kiện bi thảm này gây ấn tượng với tất cả những ai từng đọc nó bởi tính chất trung thực, cụ thể, không né tránh việc đặt ra bất cứ câu hỏi nào về trách nhiệm xã hội của bất cứ tầng lớp nào, nhưng cũng làm rung động trái tim và nhận thức của mỗi người vì tính chất riêng tư tinh tế, những mổ xẻ não trạng tâm lý đời sống sắc bén, và một quan niệm con người nhân đạo, chân xác, chỉ có thể có ở một tiểu thuyết gia xuất sắc của thời đại.
Qua loạt phỏng vấn 34 nạn nhân và tám thành viên giáo phái Aum, mỗi câu chuyện hiện lên như một khuôn mặt khác của nỗi đau, trong cộng đồng đa tạp và đầy bất ổn. Đó là một nước Nhật hoàn toàn bị động, không được chuẩn bị để ứng phó với hiểm họa từ con người. Một cộng đồng bị cuốn vào guồng quay cơ giới của những bổn phận đời sống đến mức thờ ơ với chính mối đe dọa tới từng cá nhân. Khi đó, nỗi cô đơn, sự bất an, tổn thương tinh thần bộc lộ dưới hình thức tuyệt vọng của nó, người ta bị cám dỗ bởi những giáo lý đi ngược lại nền tảng căn bản của mọi tôn giáo: Vị tha, bác ái, trân trọng cao nhất sinh mệnh cá nhân. Đi tìm nguyên do của cái ác như một bộ phận khăng khít trong lòng đời sống chứ không phải cô lập những “kẻ thủ ác”, Murakami đã trực diện chỉ ra vì đâu cái ác được nuôi dưỡng: Sự im lặng, không muốn bộc lộ cá nhân, những bất công mãi mãi được giấu trong bóng tối đem lại lợi ích cho một số người nhưng lại là thảm họa cho toàn thể.
——————————
* Trần Đĩnh dịch, NXB Văn hoá Sài Gòn ấn hành tháng 6-2009, 564 trang.
(Visited 2 times, 1 visits today)