Nghi vấn với kết luận điều tra vụ chìm tàu Cheonan

Vào tháng 5 vừa rồi, sau vụ việc một tàu chiến của Hàn Quốc bị chìm, Chính phủ nước này đã công bố một bản báo cáo trong đó quy trách nhiệm cho nước láng giềng phía Bắc. Báo cáo này ngay lập tức đã gặp phải chỉ trích từ các nhà chính trị đối lập trong nước và một nhóm hoạt động xã hội của Hàn Quốc. Giờ đây, những ý kiến phản đối này có thêm sự trợ giúp từ quan điểm của một số nhà khoa học.

Vào ngày 26 tháng 3, con tàu Cheonan, một tàu tuần tra chuyên giám sát hoạt động của những con tàu ngầm Bắc Hàn, đã bị vỡ đôi và chìm ở vùng biển tranh chấp giữa 2 quốc gia. Vào ngày 20 tháng 5, một báo cáo từ Nhóm Phối hợp Điều tra (viết tắt là JIG), bao gồm các chuyên gia dân sự và quân sự từ Hàn Quốc cùng một số cố vấn của Anh, Mỹ, Thụy Điển và Úc, đã kết luận rằng Bắc Hàn đã phóng ngư lôi đánh chìm con tàu và phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 46 thủy thủ đoàn.

Bằng chứng của nhóm điều ra bao gồm một mảnh ngư lôi tìm thấy gần con tàu, có kích thước tương đương với miêu tả trong cẩm nang đạn dược của Bắc Hàn, và có mực in được xác định là do Bắc Hàn sản xuất.

Những tranh luận đã nổ ra thậm chí từ trước khi báo cáo được công bố. Một chuyên gia trong nhóm JIG là người của đảng đối lập – Shin Sang-chul, một cựu quân nhân trong hải quân Hàn Quốc và từng làm việc tại một công ty đóng tàu – cho rằng nguyên nhân của vụ việc là một vụ va chạm tai nạn với tàu chiến của Mỹ. Mỹ và Hàn Quốc trong thời gian vụ tai nạn xảy ra có tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực này.

Vào ngày 10 tháng 6, nhóm Nhân dân Đoàn kết Tham dự Dân chủ, là một tổ chức có trụ sở tại Seoul, hoạt động với vai trò phản biện lại Chính phủ, đã gửi một thư ngỏ tới Ủy ban An ninh của Liên Hợp Quốc, trong đó đặt ra 8 câu hỏi về nội dung báo cáo của JIG và 6 vấn đề về tính minh bạch của cuộc điều tra. Lá thư khẳng định kết luận trong báo cáo rằng một cột nước gây ra bởi ngư lôi đã nhấn chìm tàu Cheonan là mâu thuẫn với khẳng định của những người sống sót là họ không nhìn thấy một cột nước nào cả. Lá thư cũng đặt câu hỏi tại sao vụ phóng ngư lôi lại không bị phát hiện, trong khi thiết bị nhận biết đã được trang bị cho tàu Cheonan.

Seung-Hun Lee, một nhà vật lý gốc Hàn ở Đại học bang Virginia tại Charlottesville, cho rằng vấn đề nổi cộm nhất của báo cáo JIG là sự liên hệ giữa dấu vết thẩm thấu vào vật liệu chân vịt của ngư lôi và vật liệu của con tàu. Theo báo cáo JIG, phân tích quang phổ electron phân tán (EDS) cho thấy các mẫu thẩm thấu hầu như giống hệt nhau, và cũng giống với kết quả từ những vụ nổ mô phỏng tương tự: tất cả đều có những nhu kỳ tương tự nhau với sự hiện hữu của nhôm, oxy, carbon, và một số yếu tố khác. Tương tự như vậy, phân tích nhiễu xạ X-quang cũng cho thấy tác động lên vật liệu từ mảnh ngư lôi tương tự như tác động lên vật liệu của con tàu. Tuy nhiên có một điểm khác nhau giữa 2 phân tích. Đó là phân tích X-quang cho thấy không có dấu vết của nhôm và nhôm oxit. 

Để lý giải sự khác biệt, báo cáo JIG lý giải rằng nhôm đã nguội cực nhanh thành dạng oxit không kết tinh, thay vì dạng kết tinh. Oxit nhôm không kết tinh sẽ không tạo ra nhiễu xạ X-quang.

Tuy nhiên, quá trình siêu nguội của kim loại để trở thành dạng không kết tinh là rất tinh tế. “Không thể có chuyện 100% trở thành không kết tinh. Thí nghiệm do Lee tự tiến hành cho thấy đa số nhôm trong những điều kiện nêu trên sẽ trở thành dạng kết tinh.

Lee công bố kết quả của mình trên Internet vào ngày 3 tháng 6. Những thí nghiệm được tiến hành độc lập bởi Penseok Yang, chuyên gia kỹ thuật đo phổ vật liệu tại khoa địa chất học, Đại học Manitoba ở Winnipeg, cho thấy tỷ lệ oxi so với nhôm trong nhôm được làm nguội cực nhanh thấp hơn nhiều so với trong báo cáo của JIG. Dữ liệu của Yang, được bổ sung vào báo cáo trên Internet của Lee ngày 28 tháng 6, cho thấy mẫu vật được phân tích bởi JIG có thể là từ một mảnh nhôm cũ bị gỉ.

Lee cũng nói rằng JIG không giải thích được vì sao mẫu sơn màu xanh dương trên mảnh ngư lôi được cho là của Bắc Hàn không bị tan chảy, trong khi nhiệt độ do vụ nổ lẽ ra đã đủ cao để làm tan chảy sơn. “Báo cáo của họ quả là rất vụng”, Lee nói. 

Tuy nhiên, Lee thừa nhận rằng không biết chắc vì sao con tàu bị chìm nếu như không phải là do ngư lôi của Bắc Hàn. Nhưng những giả thuyết khác đã được đặt ra. Tàu Cheonan có thể đã đụng phải mìn (có thể là mìn của Hàn Quốc, theo phỏng đoán của Jae-Jung Suh, nhà khoa học chính trị tại Đại học Johns Hopkins ở Washington DC), hoặc có thể nó bị đâm vào một tàu khác, theo phỏng đoán của Shin.

Chính phủ Hàn Quốc cương quyết bác bỏ khả năng đã có ngụy tạo hoặc đánh giá sai về số liệu.

Nhiều chuyên gia cho rằng phải có cách đánh giá khác. James Schoff, chuyên gia về cơ chế an ninh khu vực châu Á, người đứng đầu các nghiên cứu về châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Phân tích Chính sách Đối ngoại của Washington DC, cho rằng “Bên cạnh các căn cứ khoa học, kết quả đánh giá của Chính phủ Hàn Quốc không thống nhất với những tiền lệ trước đây trong hành vi của Bắc Hàn. Có thể nó đơn thuần chỉ phục vụ cho mục tiêu của những thành phần bảo thủ [trong nội bộ Chính phủ] nhằm nâng cao cảnh giác về nguy cơ an ninh.”

Tuy nhiên, Schoff cũng thừa nhận rằng những nghiên cứu và nhận định nói trên không chứng minh được rằng Bắc Hàn đã không đánh chìm con tàu, mà chỉ cho thấy có khả năng Hàn Quốc đã ngụy tạo dữ liệu để khiếu nại lên Liên Hợp Quốc. Ví dụ như có thể là họ đã tự sơn lên mảnh ngư lôi, ông nói. “Tôi không ngạc nhiên nếu họ làm như vậy để tăng tính thuyết phục cho bằng chứng. Nhưng mặt khác, tôi không nghi ngờ về tính chính xác của kết luận trong báo cáo JIG”.

Lee và Suh thể hiện quyết tâm nâng cao nhận thức trong công luận về những điểm thiếu thống nhất trong báo cáo. Ngày 9 tháng 6, họ có buổi nói chuyện tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài ở Tokyo.

“Hàn Quốc cần phải mở cuộc điều tra lại, và nghị viện cần mở cuộc điều tra đối với JIG để làm rõ nghi vấn về khả năng ngụy tạo dữ liệu”, Suh nói khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Nature. “Họ đã thất bại trong nhiệm vụ chứng minh thủ phạm là Bắc Hàn, và rất có thể vì vậy mà họ ngụy tạo dữ liệu”.

(David Cyranoski, Nature News)

Tác giả