Nghiên cứu xử lý thảm họa dầu tràn ở Mỹ: vẫn rối

Sau gần 3 tuần kể từ khi chính quyền liên bang Mỹ ra lệnh tìm những hóa chất ít độc hại hơn để xử lý dầu lửa trên Vịnh Mexico, người ta vẫn chưa đạt được tiến bộ gì đáng kể.

Những chất hóa học độc hại cũ vẫn tiếp tục được dùng đến. “Cuối mỗi ngày, chúng ta lại muốn tìm đến những lựa chọn mới. Và chúng ta nhận ra mình không biết nhiều lắm về những lựa chọn mới để có thể đưa ra quyết định”, nhận xét từ Carys Mitchelmore, nhà sinh học từ Đại học Maryland, cũng là đồng tác giả của báo cáo năm 2005 từ Viện Khoa học Quốc gia về hóa chất dùng để xử lý dầu tràn, người phải báo cáo trước Quốc hội về tình hình sử dụng hóa chất đặc trị cho thảm họa tại vùng Deepwater Horizon.
Các hóa chất xử lý dầu tràn giúp tách dầu thành những hạt nhỏ có khả năng bị phân hủy nhanh chóng trong tự nhiên. Chúng được áp dụng nhanh chóng đối với dầu trên bề mặt vịnh ngay sau khi thảm họa bắt đầu. Việc dùng đến chúng là điều không mong muốn nhưng cần thiết. Nếu như dầu bị phân tách ở ngoài vùng biển sâu thay vì ở gần bờ, hệ sinh thái của vùng bờ biển sẽ ít bị tác động tiêu cực hơn. Các động vật ở vùng biển sâu sẽ phải hi sinh, nhưng vùng nước sâu gần bờ sẽ được cứu.
Có rất nhiều câu hỏi xung quanh việc sử dụng các hóa chất xử lý dầu tràn. Bản thân chúng là độc hại, nhưng tác động của chúng tới hệ sinh thái của biển vẫn chưa được định lượng hóa, và người ta cũng không chắc liệu tác dụng của chúng ở ngoài vịnh có hiệu quả như ở những nơi khác không. Trước đây người ta chưa từng phải xử lý dầu tràn với quy mô lớn tương đương. Việc tống chúng thẳng xuống miệng giếng dầu, khoảng hơn một cây số dưới lòng biển, cũng là điều trước đây chưa từng có. Độ sâu, áp suất, và nhiệt độ có thể ảnh hưởng tới sự tương tác của các hóa chất này với dầu lửa theo những cách ngoài mong muốn. 
Tất cả những vấn đề trên chưa có câu trả lời. Hóa chất được sử dụng ban đầu, được người ta biết đến từ trước, nhưng cũng là một hóa chất gây tranh cãi. BP dùng hai công thức của chất Corexit, một được dùng trong vụ dầu loang của Exxon Valdez, và một chất khác được thử nghiệm để xử lý hậu quả sau đó. Theo dữ liệu của EPA về các hóa chất khác được phép dùng trong những trường hợp khẩn cấp, có 12 chất được cho là tốt hơn Corexit trong việc phá vỡ mối liên kết của dung dịch dầu lửa, ít nhất là dựa trên kết quả trong phòng thí nghiệm. Nhưng BP phản biện rằng Corexit đã được nghiên cứu và biết đến nhiều hơn so với các chất khác, và sự thực thì có vẻ đúng như vậy – tuy nhiên vai trò của cựu giám đốc điều hành BP, ông Rodney Chase nay là giám đốc của Nalco, nhà sản xuất Corexit, lại làm dấy lên nhiều nghi ngờ.
Trong khi công chúng ngày càng lo ngại, tới nay lượng Corexit được dùng đã lên tới trên 1,2 triệu gallon (hơn 4 triệu lít), EPA đã thay đổi chủ trương. Họ cho BP đúng 72 tiếng đồng hồ để tìm ra một hóa chất ít độc hại hơn nhưng có hiệu quả tương đương với Corexit.
3 ngày sau, BP báo cáo rằng không tìm thấy lựa chọn nào khác. Cục trưởng của EPA, Lisa Jackson, cho rằng công ty này “tập trung nhiều vào việc bảo vệ quyết định ban đầu hơn là phân tích những khả năng tốt hơn”. Bà tuyên bố rằng EPA sẽ tự đánh giá các hóa chất dùng để xử lý dầu tràn và ngay lập tức ra lệnh cho BP phải dừng sử dụng Corexit trên mặt biển và giảm đáng kể lượng sử dụng dưới biển.
Với sự giúp đỡ của lực lượng Tuần tra Bờ biển, BP tiến hành thí nghiệm với những lựa chọn hóa chất khác – trong đó có Disperit mà sau này không được EPA chấp thuận.
Joannie Docter, Chủ tịch của Globemark Resource, nhà sản xuất JD 2000 – một trong 5 hóa chất đáp ứng tiêu chuẩn của EPA – cho biết rằng bà được BP khẳng định rằng sẽ chỉ có Corexit được dùng tại vùng vịnh. Vào lúc đó, BP vẫn chưa thử thí nghiệm JD 2000, và sau này họ chỉ tiến hành theo yêu cầu của EPA.
Tuy nhiên, cho dù BP có vẻ không thật sự thật thà, cân nhắc các lựa chọn khác là một vấn đề nan giải. Cho tới nay, những phân tích công khai trước công chúng hầu hết là những bản chào hàng từ các hãng sản xuất hóa chất với tham vọng hóa chất của mình được lựa chọn. Tính hiệu quả của những thí nghiệm này chỉ có giá trị tham khảo chứ không thể coi là đánh giá từ thực tế. Bên cạnh đó, các biện pháp đo lường mức độc hại cũng không hòa toàn đáng tin như nhau.
“Những hóa chất được dùng trong các bảng biểu đều là những thí nghiệm xảy ra một lần. Chúng cần phải được thử nghiệm lại”, Mitchelmore khẳng định. “Các thí nghiệm sẽ đáng tin về mặt khoa học hơn nếu chúng được tái hiện, và đây là điều EPA đang cố gắng làm, để rồi tập trung mở rộng các thí nghiệm đo lường mức độc hại”.
Nhưng không có nhiều thông tin về các hóa chất khác ngoài Corexit. “Corexit được nghiên cứu nhiều hơn các hóa chất khác vì người ta đã quen sử dụng nó”, Mitchelmore nhận định. “Tôi từng làm tất cả mọi nghiên cứu của mình với Corexit 9500. Tôi muốn nghiên cứu trên 6 hóa chất khác nhau nhưng không đủ tiền để làm vậy”.
Tuy BP biết về các thành tố trong Sea Brat #4, đa số các công thức hóa học trong các hóa chất xử lý được giữ bí mật bởi nhà sản xuất. Thực vậy, Nalco giữ kín bí mật công thức của Corexit và chỉ hé lộ cho EPA sau rất nhiều đàm phàn. Các thành phần được chia sẻ với EPA vào hôm 8 tháng 6. Có lẽ không phải là tình cờ khi vào ngày 28 tháng 5, EPA thay đổi Luật Kiểm soát Hóa chất độc, cho mình quyền được bắt các công ty chia sẻ bí mật về các hợp chất hóa học. Biết được thành phần từng hóa chất sẽ giúp EPA đánh giá tốt hơn đặc tính của chúng.
Theo Mitchelmore, để làm thí nghiệm về các độc tính thông thường người ta mất vài ngày, nhưng để làm thí nghiệm về những độc tính mãn tính, người ta phải mất từ 1 tới 3 tuần. Theo Gilfillan, “chúng tôi không thể có một khung thời gian chính xác để biết ngày mình có kết quả cần tìm. Có thể là trong vài ngày, hoặc trong vài tuần tới”.
Ngay cả khi các thí nghiệm của EPA kết thúc, hoàn cảnh sẽ khiến giá trị của chúng bị giới hạn. Sẽ không có đủ thời gian để nghiên cứu tác động lâu dài tới các loài động vật, làm các phân tích đánh giá tác động tới hệ sinh thái, hay thậm chí tiến hành một thí nghiệm để khẳng định những loài động vật cụ thể nào sẽ bị tác động bởi hóa chất xử lý và dầu đã qua xử lý. Những kết quả dữ liệu này sẽ được thu thập trong những năm tới, mà vùng vịnh Mexico là một phòng thí nghiệm khổng lồ. 
“Nhiều điều đáng nhẽ phải được EPA tiến hành từ vài năm trước”, chuyên gia cao cấp Gina Solomon của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Tự nhiên nhận xét. “Thật đáng tiếc là chúng ta phải chờ tới khi có thảm họa rồi mới đi thu thập thông tin về tính độc hại của các hóa chất”.
(Brandon Keim, Wired Science)
 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)