Người lao động cao tuổi cần hỗ trợ thông tin việc làm

Với cơ cấu dân số ngày càng già hóa, dự báo tỉ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên khoảng 27 triệu người, chiếm ¼ tổng dân số vào năm 2050 thì Việt Nam cần chuẩn bị cho một tương lai thúc đẩy thị trường lao động cho người già. Tuy nhiên khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho thấy, người lao động cao tuổi còn gặp nhiều rào cản như chưa được hỗ trợ thông tin thị trường lao động, đa phần lao động không có hợp đồng, không bảo hiểm.


Người lao động cao tuổi còn gặp nhiều rào cản như chưa được hỗ trợ thông tin thị trường lao động, đa phần lao động không có hợp đồng, không bảo hiểm. Ảnh minh họa: Thukyluat.

Báo cáo “Tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi và những vấn đề chính sách đang đặt ra hiện nay” của PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện Gia đình và giới tại Hội thảo trình bày kết quả nghiên cứu của Viện ngày 14/12 cho thấy bức tranh cơ bản về điều kiện lao động của người lao động cao tuổi. Trong khi có khoảng 80-90% người lao động cao tuổi vẫn đang làm việc (cả được trả lương hoặc không được trả lương), đặc biệt có khoảng 30% người lao động làm việc toàn thời gian để kiếm sống lo cho tuổi già, thì hầu như họ lao động dựa trên nguồn thông tin việc làm từ mạng lưới công việc cũ trước đây, từ gia đình, hoặc từ mạng lưới phi chính thức gồm bạn bè, người quen chứ hầu như không có thông tin hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. 

77% người lao động chỉ làm các công việc giản đơn như bảo vệ, nhân viên bán hàng, trông xe, trong lĩnh vực nông nghiệp… chỉ có một số ít làm lao động thủ công có kỹ thuật và điều kiện công việc bấp bênh do chủ yếu làm “hợp đồng miệng” chứ không có các văn bản pháp lý đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động. 

Đây là những thông tin đáng chú ý cho các cơ quan quản lý lao động trong bối cảnh Việt Nam cần thúc đẩy thị trường lao động cho người già thay vì chỉ coi người già là những người “phụ thuộc cần chăm sóc” như trước đây. Đây cũng là những gì mà Nhật Bản đã phải trải qua – họ chuẩn bị ba trụ cột chính sách quan trọng đối với người cao tuổi, gồm đảm bảo tuyển dụng trong các doanh nghiệp với mức hưởng lương hưu được điều chỉnh để phù hợp với già hóa như hiện nay; có các quy định về việc các doanh nghiệp có nghĩa vụ đảm bảo việc làm cho người cao tuổi; và đưa ra các hình thức lao động bán thời gian hoặc theo giờ phù hợp với điều kiện sức khỏe của người cao tuổi. Mặt khác, Nhật Bản cũng có quỹ hưu trí quốc gia với mức độ bao phủ lớn, và nhìn chung mạng lưới an sinh phù hợp với xã hội ngày càng già hóa nhanh chóng. 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang “hưởng” thời kỳ cơ cấu dân số vàng và các cơ quan quản lý người lao động chưa có đủ điều kiện nghiên cứu, chuẩn bị cho một giai đoạn già hóa sắp tới đây. PGS Trần Thị Minh Thi cho biết, trong cuộc khảo sát của mình, có những nhà quản lý ở địa phương cho biết “hiện nay giải quyết việc làm cho người trẻ còn chưa xong nên chưa thể nói tới hỗ trợ cho người lao động cao tuổi”. 

Trên thực tế, mặc dù Việt Nam có đặt ra Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2020 nhưng cho đến nay, những nghiên cứu khảo sát nhu cầu, thực trạng lao động của người cao tuổi ở Việt Nam vẫn còn hiếm hoi. Tại buổi hội thảo, có nhiều ý kiến đặt ra hỏi về thực trạng các nghiên cứu về tình trạng lao động của những nhóm người cao tuổi chịu nhiều thiệt thòi như người khuyết tật, người thiểu số, ở vùng sâu vùng xa… nhưng cho đến nay chưa được nghiên cứu. □

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)