Người tiền sử tương tác với thiên nhiên

Con người sống ở những vùng đất mà ngày nay thuộc lãnh thổ Việt Nam đã tác động và thay đổi các khu rừng nhiệt đới vào thời điểm nào và bằng cách nào?

Công trình “Late Pleistocene shell midden microstratigraphy indicates a complex history of human–environment interactions in the uplands of northern Vietnam” (Vi địa tầng học vỏ sò thế Pleistocene muộn chỉ dấu một lịch sử tương tác phức hợp giữa con người và môi trường trong các vùng đất cao ở miền Bắc Việt Nam) do các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cùng đồng nghiệp Úc, Trung Quốc thực hiện cho thấy điều đó.

Công trình này nằm trong chuyên khảo “Tropical forests in the deep human past” (Các khu rừng nhiệt đới trong quá khứ cổ sơ của loài người) của tạp chí Philosophical Transactions of The Royal Society B Biological Sciences.

Từ lâu, các nhà khảo cổ đã cho rằng, miền Bắc Việt Nam nằm trên một tuyến đường di cư quan trọng của họ người (hominin) ở Nam Á và các hang động đá vôi ở khu vực này vẫn còn lưu giữ các đống vỏ sò thời tiền sử. Các bằng chứng hóa thạch và di truyền cho thấy một lịch sử phức tạp của con người trong vùng cũng như khắp Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Để tìm hiểu về quá khứ cổ sơ của con người, các nhà nghiên cứu đã phân tích vi địa tầng học và địa thời học từ những mẫu vỏ ốc đất lấy ở hang Diêm và Mang Chiêng (Vườn quốc gia Cúc Phương) bằng phương pháp phát sáng kích thích quang học (OSL). Kết quả cho thấy, có nhóm người đã từng sống ở đây và có các hoạt động khai thác tự nhiên để tồn tại. Các hang động con người trú ngụ cũng trải qua những quá trình hình thành khác nhau, thể hiện ở trầm tích và địa mạo. Bên cạnh đó, có rất nhiều đống vỏ ốc đất được bồi đắp rất đa dạng với những lớp phủ bên ngoài bao gồm các lớp đất sét phù sa và carbon (dường như là tro kết tinh) gợi ý về một lịch sử bồi tích phức tạp. Có khả năng là thời gian cư ngụ của con người ở đây vẫn tiếp tục dù điều kiện môi trường đã thay đổi với độ ẩm cao hơn trước đây, trong đó có giai đoạn con người hiện diện với số lượng lớn.

Do đó, công trình này đã giúp hiểu sâu thêm về sự phân bố dân cư thời tiền sử và thích ứng ở trong vùng.

Authors

(Visited 10 times, 1 visits today)