Nhà toán học Đức Klaus Krickeberg nhận Huân chương Hữu nghị

Vào ngày 25/2 vừa qua, thay mặt Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao Huân chương Hữu nghị cho nhà toán học Klaus Krickeberg vì những đóng góp không mệt mỏi của ông trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là y tế công cộng của Việt Nam.


Ảnh: Nguyễn Xuân Xanh

Mối liên hệ của GS. Klaus Krickeberg với Việt Nam khởi đầu từ năm 1965 khi ông có những hành động phản đối chiến tranh Việt Nam. Nhưng phải đến năm 1974, khi tổ chức và giảng trong một seminar tại Hà Nội hoàn toàn bằng Tiếng Việt do ông tự học về xác xuất, ông mới bắt đầu công việc tại đây. Mặc dù đó là bài giảng thuần túy Toán học, nhưng nó lại nhận được sự quan tâm của nhiều người trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là khoa học sức khỏe, trong đó có bác sĩ Tôn Thất Tùng và GS. Hoàng Thủy Nguyên, ông tổ của ngành vaccine Việt Nam. Nhờ vậy, trong suốt hơn 20 năm sau đó (1974 – 1999), ông nhiều lần làm việc ở Cục thống kê, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Ủy ban Dân số Quốc gia về Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch để đưa toán học ứng dụng vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, GS. Hoàng Thủy Nguyên còn nhờ GS. Krickeberg lập một “Nhóm Toán học” trong Viện Vệ sinh Dịch tễ TW. 

GS. Klaus Krickeberg là nhà toán học hàng đầu thế giới và được nhiều trường Đại học Mỹ và Châu Âu mời giảng dạy. Ông là nhà toán học về xác suất đầu tiên và duy nhất thời hậu chiến ở Đức, xây dựng ngành xác suất không sau khi Đức Quốc xã phá tan nền khoa học của nước này và được phong giáo sư của Đại học Heideberg khi chưa đầy 30 tuổi, nhưng ông đã dành nhiều năm tuổi trẻ của mình cho Việt Nam. Sau khi về hưu năm 1998 ở Pháp, ông vẫn chưa về hưu ở Việt Nam, kể từ năm 2004 đến nay, ông tập trung xây dựng giáo trình giảng dạy cho ngành Y tế công cộng tại các trường Đại học Y dược trên khắp cả nước (trừ Tp. Hồ Chí Minh). Hiện nay, giáo trình này đã xuất bản được sáu quyển và dự kiến sẽ có hai quyển mới được xuất bản trong năm nay. Tham vọng của ông là đưa ngành Y tế Công cộng của Việt Nam về nhân sự, cấu trúc, trình độ khoa học, nghiên cứu giảng dạy, năng lực ứng dụng toán học, óc tổ chức và vận hành bộ máy lên mặt bằng thế giới.  

Chia sẻ tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tự nhận rằng mình cũng là học trò của ông trong những năm đầu tiên bà đi làm tại viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh. Ông đã dạy bà môn dịch tễ học căn bản, thống kê và ứng dụng của nó trong chương trình tiêm chủng, phòng chống bệnh tiêu chảy, giám sát bệnh truyền nhiễm. Bà cũng cho biết rằng, trước đó mấy ngày, bà cũng nhận được email của ông và hoàn toàn đồng ý với ông về cải cách ngành y tế công cộng của Việt Nam, kể cả từ ngữ y tế dự phòng, một khái niệm quá hẹp, “không bao phủ được hết tầm vóc, vị thế, cấu trúc hệ thống của ngành y tế công cộng”. Theo đó, đến năm 2021, Bộ Y tế sẽ tập trung đổi mới ngành y tế cộng cộng mà điển hình là triển khai đề án “Sức khỏe Việt Nam” và đổi mới đào tạo, chương trình giảng dạy, bằng cấp, quan niệm về ngành khoa học này. 

Trước Huân chương Hữu Nghị, vào năm 2009, Bộ Y tế đã trao GS. Krickeberg “Kỷ niệm chương ‘Vì sức khỏe nhân dân’”. GS. Krickeberg cũng được ĐH Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh trao bằng tiến sĩ danh dự vì những đóng góp của ông trong ngành Toán học ứng dụng tại Việt Nam và được ĐH Y Dược Thái Nguyên trao học hàm Giáo sư danh dự lần lượt vào năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, GS. Krickeberg chia sẻ rằng, vinh dự lớn nhất mà ông nhận được là từ những năm 1980s khi người trợ lý của GS. Hoàng Thủy Nguyên nói với ông: “Krickeberg là người Việt Nam”.  

*GS. Krickeberg là cộng tác viên của Ấn phẩm Tia Sáng. Ông đã từng hợp tác với chúng tôi trong chuyên đề Y tế Công cộng tại Việt Nam trên số báo ra ngày 15/11/2018.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)